(HNM) - Mỗi quốc gia đều mong muốn đạt kết quả cao trong giao thương quốc tế, thông qua hoạt động xuất nhập khẩu có thặng dư, tức là ở vị thế xuất siêu.
Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam |
Thực tế nhập siêu cũng đã diễn ra trong hầu hết các tháng từ đầu năm đến giữa năm 2017, với nguyên nhân chủ yếu là do cộng đồng doanh nghiệp tập trung nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cũng như linh kiện, nguyên liệu đầu vào phục vụ mục đích đưa các dự án đi vào hoạt động. Trong khi đó, ngay từ đầu năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương đã lo ngại về khả năng có thể xảy ra nhập siêu khi kết quả xuất khẩu khó có thể ngang bằng với kết quả nhập khẩu. Thế nhưng, rất đáng mừng là thực tế đó đã đảo chiều một cách ngoạn mục trong năm kế hoạch 2017. Nói là ngoạn mục, bởi nền kinh tế chuyển hẳn từ nhập siêu sang xuất siêu từ quý III-2017 đến hết năm. Kết thúc năm 2017, nền kinh tế xuất siêu 2,7 tỷ USD giá trị hàng hóa, mang lại tâm lý an tâm đối với các cơ quan quản lý vĩ mô.
Tuy nhiên, diễn biến xuất nhập khẩu năm vừa qua cũng cho thấy sự bất lợi mà nền kinh tế nước ta vẫn đang phải đối diện. Trước hết, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ứng từ bên ngoài để vận hành sản xuất công nghiệp, nhất là phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, dù nhập siêu giảm về tổng thể, nhưng riêng các doanh nghiệp khu vực trong nước đã nhập siêu tới 26,1 tỷ USD, tức là vẫn tiếp diễn một sự lép vế trong giao thương quốc tế.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định, nhưng nhìn chung sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt còn khá khiêm tốn so với đối thủ quốc tế. Như vậy, cán cân thương mại chỉ có thặng dư nhờ vào cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã xuất siêu tới 28,8 tỷ USD và kịp thời bù đắp cho sự nhập siêu của doanh nghiệp trong nước. Tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm và hầu như chưa bao giờ thay đổi.
Theo Bộ Công Thương, đến nay một số loại hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như dệt may, da giày, điện thoại, sản phẩm điện tử vẫn phụ thuộc một phần không nhỏ vào nguồn linh kiện, nguyên liệu đầu vào từ các hãng nước ngoài. Chính vì vậy, khả năng chủ động trong sản xuất, kinh doanh bị hạn chế; lại bị tác động theo sự lên/xuống về giá trên thị trường thế giới. Nguyên nhân là ngành công nghiệp phụ trợ của ta chậm phát triển, yếu kém về chất lượng, thiếu vắng cơ sở đủ năng lực sản xuất, cung ứng linh kiện phục vụ mục tiêu lắp ráp, hoàn thiện hàng xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, mặc dù Việt Nam đã tham gia vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, nhưng chưa đóng vai trò là các mắt xích then chốt, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu còn thấp. Ngoài ra, sức lan tỏa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa tạo được lực đẩy, kích thích hợp tác, hướng doanh nghiệp nội địa trở thành nhà cung cấp cho mình.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trước hết cần đẩy mạnh tốc độ đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Từ đó tạo đầu vào cho sản xuất các sản phẩm chế biến, chế tạo trong nước. Tiếp theo, thắt chặt quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp nước ngoài - với vị trí là nhà xuất khẩu thành phẩm. Trong đó, bài học chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thông qua phát triển 29 nhà cung cấp cấp 1 của Samsung tại Việt Nam và đã thành công là sự tham khảo đầy thiết thực cho cơ quan quản lý cũng như từng đơn vị cụ thể...
Như vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để giảm bớt mức độ nhập siêu của các doanh nghiệp nội địa, mà trước hết là tìm cách gia tăng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhưng xem ra đây vẫn là thách thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.