(HNM) - Bất kỳ quốc gia nào cũng mong muốn duy trì được sự lành mạnh hóa quan hệ xuất - nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại trong quan hệ quốc tế.
Xuất khẩu giữ vững phong độ
Trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 7,85 tỷ USD, tăng 30,3% so với tháng 11-2012. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ và thể hiện mức tăng cao cũng như khẳng định xuất khẩu là thành tựu nổi bật của nền kinh tế. Tính đến hết tháng 11, kết quả xuất khẩu đã đạt 96% kế hoạch cả năm. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 85,5 tỷ USD, tăng 27,3%, chiếm tỷ trọng khoảng 70,6%, trong đó bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc tăng 11,2%; hóa chất tăng 32,5%; sản phẩm chất dẻo tăng 13,2%; túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 26,6%; sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 8,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 15,8%; hàng dệt và may mặc tăng 19,7%... Đáng ghi nhận hơn khi Việt Nam đang nổi lên như một nước có giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện cũng như sản phẩm điện tử cao trong khu vực nhờ sự hiện diện, đi vào sản xuất của một số dự án thuộc ngành công nghệ cao ở khu vực phía Bắc trong thời gian vừa qua.
Sản xuất cá tra, một trong những mặt hàng đạt mức xuất khẩu cao trong năm 2013. |
Nhờ xuất khẩu tăng cao và kiểm soát nhập khẩu tốt, tháng 11 Việt Nam đã xuất siêu 50 triệu USD sau nhiều tháng nhập siêu ở mức độ thấp, từ đó đã thu hẹp khoảng cách xuất - nhập khẩu và khống chế được nhập siêu ở mức rất thấp là 96 triệu USD, bằng 0,08% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thực tế này thấp hơn nhiều so với hạn mức nhập siêu được thông qua từ đầu năm.
Tiềm năng còn nhiều
Theo đánh giá của các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cũng như thực lực để duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao qua từng năm. Nhận định trên dựa trên một số yếu tố, điều kiện đầu vào quan trọng, gồm Việt Nam là thành viên WTO và đương nhiên được hưởng điều kiện ưu đãi cũng như phát huy những cơ hội thuận lợi sẵn có trong xuất khẩu. Làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất phục vụ xuất khẩu của một số tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, nhất là Nhật Bản, sang Việt Nam để chia sẻ rủi ro, cơ cấu lại địa bàn đầu tư của nhà đầu tư hoặc để nhằm được hưởng thuế suất thấp vẫn đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Thực tế này đồng nghĩa với việc số lượng sản phẩm và xuất khẩu từ Việt Nam ra thị trường toàn cầu sẽ liên tục tăng lên trong thời gian tới.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam vừa đưa ra nhận định, nếu Việt Nam hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sớm sẽ là cơ hội để hoạt động xuất khẩu khởi sắc nhanh chóng, thậm chí là bứt phá, vì tận dụng được thị trường có 800 triệu người tiêu dùng, lại có sức mua cao so với mặt bằng chung của thế giới. Hơn thế, DN thuộc khu vực tư nhân sẽ thể hiện được sự năng động bằng cách ồ ạt thâm nhập các thị trường trọng điểm. Ngoài ra, tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu sẽ gián tiếp kích thích sự cạnh tranh đối với DN, thúc đẩy DN áp dụng thay đổi công nghệ và phương cách quản trị hiện đại, tăng cường liên kết nội địa cũng như chủ động tham gia chuỗi phân phối giá trị toàn cầu. Nói cách khác, nhờ xuất khẩu tăng mạnh sẽ thúc đẩy sự gia tăng về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2013 sẽ đạt 133 tỷ USD, nhưng một số chuyên gia dự báo kết quả cuối cùng có thể còn cao hơn, bởi tháng 12 thường là thời điểm bứt phá rất ấn tượng của giới DN nhằm hoàn thành kế hoạch. Thực tế này sẽ tiếp tục thiết lập một kỷ lục mới về thành tích xuất khẩu, cũng là sự kích thích để nền kinh tế nỗ lực vượt lên trong các năm tiếp theo. Quan trọng hơn là thông qua xuất khẩu tăng mạnh và ổn định, Việt Nam đang tiến sát đến tiêu chí là nền kinh tế hướng về xuất khẩu cũng như cân bằng giá trị xuất - nhập khẩu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.