Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin được Đảng và Nhà nước giao phó, xứng đáng là phương tiện tuyên truyền sắc bén, hiệu quả, báo chí vẫn còn tồn tại một số hiện tượng cá biệt vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề báo.
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ Phan Văn Kiền, theo ông, đạo đức, trách nhiệm của người làm báo đóng vai trò như thế nào trong hoạt động tác nghiệp của các nhà báo?
- Với một nhà báo, có 3 yếu tố quan trọng cần lưu ý, trong đó kỹ năng nghề nghiệp là phương tiện giúp người làm báo bước đi; kiến thức nền tảng, bản lĩnh nghề nghiệp giúp họ đi được đường xa; đạo đức, trách nhiệm của người làm báo giúp họ đi đúng đường.
Yếu tố thứ nhất và thứ hai nếu chưa tốt chỉ khiến người làm báo phát triển chậm lại, nhưng yếu tố đạo đức, trách nhiệm mà không vững sẽ khiến nhà báo đi lạc đường. Cho nên, dù không phải là yếu tố đầu tiên nhưng đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp lại là yếu tố quan trọng nhất trong sự nghiệp của một nhà báo.
Đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp giúp người làm báo giữ được các nguyên tắc nghề nghiệp để phụng sự công chúng trong quá trình đưa tin, lấy tiêu chí phụng sự con người làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
- Là một nhà giáo, theo ông, việc đào tạo đạo đức nghề báo ngay từ khi họ còn trên ghế nhà trường có vai trò như thế nào?
- Đó là việc quan trọng hàng đầu trong quá trình đào tạo ra một người làm báo. Đặc biệt, cái gốc của đạo đức nghề nghiệp là đạo đức cá nhân. Nhà báo trước hết cần phải có những yêu cầu cơ bản của đạo đức một con người, đó là trách nhiệm, lương tâm, chuẩn mực trong hành vi ứng xử và lời nói... Vì vậy, không cần đợi đến khi được làm việc dưới vai trò là một nhà báo thì chúng ta mới bắt đầu nói đến việc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, mà điều đó cần phải được rèn giũa từ rất sớm, ngay từ trong môi trường gia đình và khi còn ngồi ghế giảng đường đại học.
- Ông đánh giá thế nào về việc rèn luyện đạo đức nghề báo trong các trường đại học hiện nay? Tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), công tác này được triển khai như thế nào?
- Hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông đều có học phần liên quan đến pháp luật và đạo đức báo chí, truyền thông, dù mức độ quan tâm ở mỗi đơn vị có sự khác nhau. Có đơn vị chỉ coi đây là một học phần tự chọn, tức là sinh viên được lựa chọn có thể học hoặc không.
Bên cạnh đó, học phần về pháp luật, đạo đức báo chí, truyền thông ở hầu hết các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay vẫn đang để hai nội dung pháp luật và đạo đức ghép chung trong một học phần. Và, các giảng viên khi giảng dạy thường chú trọng hơn vào các vấn đề pháp luật, đặc biệt là các bộ luật liên quan tới báo chí. Vấn đề đạo đức báo chí, truyền thông đang được giảng dạy dựa trên nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành và một số nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp khác.
Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, học phần pháp luật và đạo đức báo chí, truyền thông luôn được cập nhật các nội dung để bắt kịp xu thế thời cuộc. Ở lần chỉnh sửa chương trình vào năm 2023, nội dung liên quan đến Luật An ninh mạng, luật về tiếp cận thông tin, luật về bản quyền... đã được đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, bắt buộc đối với sinh viên.
Ngoài ra, vấn đề đạo đức và pháp luật cụ thể, đặc biệt là các nguyên tắc nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội... là nội dung bắt buộc trong các học phần về kỹ năng nghề nghiệp tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
- Trước áp lực cạnh tranh thông tin như hiện nay, để báo chí thật sự là một kênh thông tin tin cậy, theo ông, công tác đào tạo đạo đức nghề báo cần đảm bảo những yếu tố gì?
- Tôi nghĩ, khi giảng dạy về đạo đức báo chí, các cơ sở đào tạo cần mở rộng hơn đến các vấn đề luân lý thay vì chỉ quan tâm tới các vấn đề đạo đức mang tính nguyên tắc nghề nghiệp. Đó là các vấn đề về hệ tư tưởng, về quyền lực xã hội, về chính trị thường thức... trong quá trình thông tin.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh truyền thông số phát triển phức tạp như hiện nay, các học phần pháp luật báo chí, truyền thông cần được bổ sung một số nội dung mới như Luật An ninh mạng, quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, về bản quyền.. Như vậy, có thể sẽ cần phải tách nội dung pháp luật báo chí truyền thông thành một học phần riêng cùng với học phần về đạo đức báo chí, truyền thông.
Đặc biệt, con đường hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách của một con người nói chung và người làm báo nói riêng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân. Để làm tốt điều này, nhà trường cần phải làm cho sinh viên nhận thức đúng về tầm quan trọng của quá trình tự tu dưỡng, tự rèn luyện để trở thành những nhà báo “mắt sáng - lòng trong - bút sắc”. Muốn vậy, nhà trường phải nêu cao vai trò trách nhiệm của bộ phận phụ trách công tác sinh viên, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp trong trường... Các bộ phận này có nhiệm vụ trang bị cho sinh viên phương pháp, cách thức và kinh nghiệm trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện, đồng thời là bộ phận theo dõi, giúp đỡ, uốn nắn sinh viên kịp thời.
Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ba trụ cột nói trên đều được nhấn mạnh một cách hài hòa. Chúng tôi coi việc trang bị các tri thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn là nền tảng, hành trang quan trọng nhất để một nhà báo thành danh sau khi đã thành thạo những kỹ năng nghề nghiệp cơ bản. Chúng tôi cũng vừa tăng số tín chỉ các chuyên đề thực tế bắt buộc cho người học ngành cử nhân báo chí.
Theo đó, ngay từ năm thứ nhất hoặc thứ hai đại học, sinh viên đã phải đến cơ quan báo chí để quan sát hoạt động, mô hình của tòa soạn để nắm bắt thực tiễn công việc. Năm thứ hai hoặc thứ ba, sinh viên sẽ đi cơ sở để học thực tế, thực hành tác nghiệp và sản xuất sản phẩm báo chí cụ thể. Với ưu thế của một trường đại học hàng đầu về khoa học xã hội cơ bản, tiếp nối truyền thống lừng lẫy của Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đang lấy phương châm “hàn lâm là nền tảng, hiện đại là xu hướng” để đào tạo ra những người làm nghề chuyên nghiệp chứ không đơn thuần là một trường dạy nghề.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.