Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Tuấn Cường: Mong muốn đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả

Đăng Khoa| 10/07/2022 06:38

(HNMCT) - Những năm qua, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tuấn Cường, Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã để lại ấn tượng trong lòng công chúng với cả hai vai trò: Diễn viên và đạo diễn. Với lối diễn tự nhiên, biểu đạt được ngôn ngữ đặc thù của sân khấu chèo cùng sự sáng tạo trong từng vai diễn, anh đã ghi dấu ấn với các vai Trần Phương trong “Súy Vân giả dại”, Lý trưởng trong “Quan âm Thị Kính”... Trên vai trò đạo diễn, anh luôn có những tìm tòi, sáng tạo để đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả.

1. Ấn tượng đầu tiên về người nghệ sĩ 7x này là anh luôn vui vẻ, thân thiện, kiến thức sâu rộng cùng cách kể chuyện hài hước, cuốn hút. Cũng bởi cách kể chuyện này, anh đã chinh phục nhiều người trẻ đến với sân khấu chèo, nhất là thông qua dự án Chèo 48h - dự án khá nổi tiếng của nhóm học sinh, sinh viên yêu chèo ở Hà Nội. Bạn Đinh Thảo, thành viên sáng lập dự án cho biết: “Không chỉ hướng dẫn hát, thầy Tuấn Cường giúp bọn em hiểu ý nghĩa của từng lớp chèo. Để rồi qua mỗi buổi học, chúng em được truyền thêm tình yêu, sự đam mê với nghệ thuật chèo, từ đó tự tin hơn”.

Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam, khẳng định: “Tuấn Cường đặc biệt thành công ở những vai có cá tính. Bên cạnh lối diễn xuất tinh tế, giàu cảm xúc, anh còn có một giọng hát ấm áp, dầy, làn hơi đẫy. Tiếng hát của anh mang vẻ đẹp của “màu chèo". Anh rất chịu đi, chịu nghe, chịu đọc, chịu học”. Có thể nói, không nhiều diễn viên chèo nỗ lực để có bằng Tiến sĩ Nghệ thuật học như anh. NSƯT Tuấn Cường tâm sự: “Với tôi, học hành là chưa bao giờ đủ. Tôi nhận thức được rằng, muốn làm đạo diễn giỏi thì phải học, phải quan sát và lĩnh hội kiến thức bên ngoài chứ không chỉ mỗi chèo. Bởi chèo gắn bó mật thiết với đời sống và nhiệm vụ của chúng tôi là làm thế nào để chèo đến gần hơn với công chúng”.

2. NSƯT Tuấn Cường sinh ra trong gia đình có bố là người đam mê nghệ thuật truyền thống. Có lẽ vì thế mà con đường đến với nghệ thuật truyền thống của anh từ khi còn là một cậu bé tham gia các hoạt động ca hát tại địa phương cho đến khi thi đỗ và trở thành thủ khoa của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng thuận lợi hơn nhiều người. Từ chiếc nôi này, được sự dẫn dắt của nhiều nghệ sĩ đi trước cùng với nỗ lực của bản thân, anh đã được biết đến từ những vai diễn nhỏ đến lớn.

Siêng năng, chăm chỉ, chịu khó học hỏi, những ngày đầu về Nhà hát Chèo Việt Nam, hầu như ngày nào Tuấn Cường cũng đứng trong cánh gà xem các anh chị diễn và sẵn sàng ra sân khấu nếu diễn viên nào bận đột xuất. Theo anh, người nghệ sĩ phải thuần thục vai diễn mà mình đảm nhận, đặc biệt là phải làm toát lên hồn cốt, thông điệp của vở diễn thông qua hình tượng nhân vật. Vì lẽ đó nên dù vai diễn lớn hay nhỏ anh đều tìm hiểu kỹ để nắm được thần thái, đặc trưng nhân vật, thể hiện lời thoại thật tự nhiên.

Dấu ấn đầu tiên của Tuấn Cường là đoạt giải với vai Trần Phương trong vở “Súy Vân giả dại” tại Cuộc thi Tài năng trẻ năm 1998. Đây là một vai diễn có diễn biến tâm lý rất phức tạp, một người nham hiểm được bọc trong vẻ thư sinh nho nhã. Để thể hiện vai diễn này, anh đã đầu tư công sức rất nhiều để thể hiện tốt lời thoại, câu hát, dáng đi, ánh mắt, cử chỉ...

Khi đã tạo được dấu ấn với những vai diễn, Tuấn Cường học đạo diễn, bởi anh hiểu hơn ai hết quy luật nghiệt ngã của sân khấu chính là “Thầy già con hát trẻ”. Cũng từ đây, với vai trò đạo diễn, anh đã giành huy chương trong các vở “Điều còn lại”, “Chuyện tình hàn sĩ - đào nương”, “Huyền thoại sông và núi”, “Tiếng chuông”... Trong số đó, nổi bật là vở diễn “Chuyện tình hàn sĩ - đào nương” đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2019. Ở vở diễn này, đạo diễn Tuấn Cường đã biết đan xen những trò diễn mang sắc thái cảm xúc khác nhau để tạo sức hấp dẫn cho người xem. Bên cạnh những lớp diễn kịch tính là những lớp diễn nhẹ nhàng, hài hước; những lớp diễn mang tính triết lý nhân sinh đi cùng lớp diễn trữ tình, thơ mộng... Đặc biệt, điểm nhấn của vở chèo là hai lớp diễn thể hiện giấc mộng, khát vọng được đến bên nhau của Vũ Lương và Thu Hương. Khán giả như lạc vào cõi mộng, tình yêu, khát khao cháy bỏng của hai tâm hồn đang yêu.

Trong vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Tuấn Cường luôn có những tìm tòi, sáng tạo để đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả.

3. NSƯT Tuấn Cường là người tích cực tham gia vào các dự án đưa nghệ thuật chèo đến với người trẻ. Theo anh, nghệ thuật truyền thống là vô cùng quý giá, nhưng nếu muốn chèo tồn tại và có thêm nhiều khán giả thì cần thổi hơi thở thời đại vào từng vở chèo. Bởi thế, khán giả luôn thấy điều mới mẻ trong cách sáng tạo nghệ thuật của anh, nhất là qua vở “Điều còn lại” - vở diễn đã giành Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2019. Vẫn là đề tài quen thuộc - đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng “Điều còn lại” khai thác câu chuyện thời hậu chiến ở nơi hậu phương, đề cao sự hy sinh cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Là thành viên trong Ban giám khảo Liên hoan chèo toàn quốc 2019, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội đánh giá: “NSƯT Tuấn Cường thổi hơi thở truyền thống vào “Điều còn lại” và đã thành công. Vở diễn hết sức chặt chẽ và logic; tâm lý, tính cách nhân vật cũng rất rõ ràng. Trang trí cách điệu thể hiện phong cách chèo rất rõ, âm nhạc cũng rất chèo, văn phong vở diễn mộc mạc, giản dị”.

Hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, điều khiến NSƯT Tuấn Cường trăn trở nhất là sân khấu chèo đang thiếu vắng tác giả viết chèo. Theo anh, chèo có trên dưới 200 làn điệu và nếu đặt sai làn điệu là thất bại. Muốn viết được vở chèo hay thì phải rất hiểu làn điệu, về cấu trúc, mô hình nhân vật. Anh luôn tâm niệm, ngoài việc bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc truyền thống thì còn phải liên tục có những vở diễn mang hơi thở thời đại. Bởi thế, trên cương vị Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, dù bận rộn nhưng anh không để đầu óc được nghỉ ngơi. Gần đây, anh mới làm xong vở “Thần tướng Yết Kiêu” (tác giả Trần Phương Hạnh) cho Nhà hát Chèo Hải Dương và “Chàng sỹ tử và hoa tình yêu” (tác giả: NSƯT Phạm Ngọc Dương) cho Nhà hát Chèo Hưng Yên. Anh cũng chuẩn bị dựng vở “Nguyễn Đình Nghị” của Tiến sĩ Trần Đình Ngôn cho Nhà hát Chèo Hưng Yên và trực tiếp viết kịch bản, làm đạo diễn vở “Lưu Xá một thời hoa lửa” cho Nhà hát Chèo Thái Nguyên.

Trước khi tôi ra về, NSƯT Tuấn Cường nắm tay tôi rồi nói: “Chèo hay lắm, đẹp lắm! Chèo là đời sống, là triết lý nhân sinh, là lời ru của bà, của mẹ, nó mang tính thuần Việt. Bởi vậy, tôi ý thức được rằng gắn bó với chèo cũng là để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc”.

NSƯT Tuấn Cường (tên đầy đủ là Lê Tuấn Cường) sinh năm 1972 tại quê mẹ huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Anh là Tiến sĩ Nghệ thuật học và được phong danh hiệu NSƯT năm 2019. Anh công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1991, trải qua nhiều chức vụ và hiện giữ cương vị Phó Giám đốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Tuấn Cường: Mong muốn đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.