Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền đề trong xây dựng nông thôn mới

Đào Huyền| 26/11/2010 08:00

(HNM) - Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) còn gặp nhiều khó khăn. Để các mục tiêu đề ra

Chỉ khi nông nghiệp được đầu tư thỏa đáng, tạo ra chuỗi hàng hóa chất lượng và lưu thông thuận lợi mới nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân. Đó là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành 19 tiêu chí mà chương trình đề ra.

Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp


Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đi đầu trong việc thực hiện mô hình nông thôn mới. Ảnh: Bá Hiền


Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), hiện cả nước có gần 40.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (NN), nông thôn, chiếm 30% tổng số DN cả nước. Hầu hết DN đầu tư vào NN là các DN vừa và nhỏ, có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng; số DN có vốn đăng ký trên 200 tỷ đồng chỉ chiếm 3%. Đặc biệt, các dự án đầu tư vào NN chủ yếu tập trung khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, chưa có nhiều dự án tạo giống cây trồng, vật nuôi hoặc chế biến các loại rau quả xuất khẩu chất lượng cao. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD cho rằng, đầu tư vào NN có xu hướng giảm do sản xuất NN chưa hiệu quả, tính rủi ro cao. Số DN bị thua lỗ chiếm gần 1/3 tổng số DN hoạt động trong lĩnh vực này khiến các nhà đầu tư còn dè dặt.

Để khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào NN, nông thôn. Nghị định này quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của Nhà nước cho các DN đầu tư vào NN, nông thôn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, nguồn vốn dành cho nông thôn tăng nhanh và phục vụ đa ngành hơn trong NN, kể từ sau khi có Quyết định 67/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay có Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ NN, nông thôn. Đặc biệt, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị tiếp tục chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất NN. Đây thực sự là cơ chế mở tạo động lực khuyến khích DN đầu tư vào NN.

Tiền đề xây dựng NTM

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chương trình xây dựng NTM đang triển khai ở 10.000 xã trên cả nước với tổng kinh phí dự kiến vào khoảng 120-150 tỷ đồng/xã. Bởi vậy, ngoài sự huy động nội lực trong nước, xây dựng NTM ở Việt Nam rất cần sự góp tiền, góp sức từ cộng đồng quốc tế, các DN. Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong cơ cấu đầu tư, Chính phủ xác định huy động nội lực từ người dân khoảng 10%; DN tham gia đóng góp khoảng 20%; từ tín dụng là 30%; số còn lại là từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ông Tăng Minh Lộc cũng thừa nhận, đầu tư vào NN, nông thôn chưa hấp dẫn DN, bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro. Hiện số DN hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm khoảng 3,7%. Đây thực sự là thách thức lớn trong quá trình xây dựng NTM, để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương cần thu hút DN đầu tư vào NN. Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong xây dựng NTM.

Ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho NN, nhất là khâu sản xuất, chế biến hiện nay chưa đủ để nâng cao năng lực của ngành. Hà Nội là địa phương thu ngân sách đứng thứ nhì cả nước, nhưng vốn đầu tư cho sản xuất NN chỉ chiếm 13-15% trong tổng kế hoạch vốn TP giao cho Sở NN&PTNT hằng năm, 85% - 87% nguồn vốn còn lại được đầu tư cho các dự án xây dựng cơ bản như: cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình đê điều và thủy lợi. Năm 2010, tổng nguồn vốn từ ngân sách TP đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngành NN khoảng 1.250 tỷ đồng. Theo ông Việt, về cơ cấu đầu tư cho sản xuất NN, nguồn vốn chủ yếu đầu tư cho cây lúa thông qua một số chương trình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, giúp nông dân giảm bớt ngày công lao động... Các chương trình đầu tư cho khuyến nông, chế biến, tiêu thụ nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Ông Việt cho rằng, mục tiêu ưu tiên đầu tư và cơ chế hỗ trợ nên tập trung vào các chương trình trọng điểm như: phát triển công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị, an toàn vệ sinh của sản phẩm sau thu hoạch.

Xây dựng NTM là một quá trình "tái tạo" để tạo ra một nông thôn hiện đại. Để làm được điều đó, cần nhiều động lực từ phía các DN. Khi các dự án, các mô hình của nông dân được quan tâm, đầu tư, có hệ thống sản xuất và phân phối theo quy mô hiện đại, tất yếu sẽ nâng cao đời sống cho nông dân và tạo ra bộ mặt mới cho khu vực nông thôn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Xây dựng NTM nói một cách hình tượng là chúng ta đang đẩy một quả núi ở dưới biển lên khỏi mặt nước, năm 2015 nó phải nhô lên 20%, năm 2020 phải nhô lên 50%... Việc xây dựng NTM sẽ làm đồng thời ở các xã trong cả nước chứ không phải hình thức cuốn chiếu. Trong quá trình làm đồng thời như vậy, một số địa phương có điều kiện sẽ thực hiện nhanh hơn, đạt được mục tiêu NTM sớm hơn".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề trong xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.