(HNM) - Thực hiện Quyết định số 601/QĐ-BNV ngày 9-7-2012 của Bộ Nội vụ về kế hoạch tổ chức thi nâng ngạch công chức 2011-2012 theo nguyên tắc cạnh tranh, từ nay đến cuối năm, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức hai kỳ thi nâng ngạch công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính và từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp.
Việc thi theo nguyên tắc cạnh tranh trên cơ sở xác định vị trí việc làm là một cách làm mới, thực hiện Nghị quyết TƯ 5 khóa X của Đảng về tiếp tục đẩy mạnh chế độ công vụ công chức và đang được nhiều người mong đợi.
Mỗi địa phương sẽ cử số công chức dự thi nhiều hơn số chỉ tiêu đã thông báo. Ảnh: Linh Tâm |
Hạn chế trong việc thi nâng ngạch công chức những năm trước đây là thường lệ thuộc vào việc giải quyết chế độ chính sách. Hậu quả là có những người được bổ nhiệm vào ngạch cao hơn cương vị nắm giữ nhưng chất lượng công việc không tăng. Do đó, trong kỳ thi nâng ngạch công chức năm 2011-2012, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức sát sao hơn bằng nguyên tắc cạnh tranh áp dụng trong từng cơ quan quản lý công chức và cạnh tranh trên cơ sở số dư. Cụ thể, mỗi bộ, ngành, địa phương sau khi xác định được số chỉ tiêu nâng ngạch sẽ cử số công chức đi dự thi nhiều hơn số chỉ tiêu đã thông báo. Như vậy sau kỳ thi chắc chắn sẽ có người trượt, người đỗ, ai đạt kết quả cao hơn thì mới được nâng ngạch. Sự cạnh tranh như vậy sẽ khiến mỗi công chức có ý thức cao hơn với kỳ thi chứ không chỉ làm để đạt điểm trung bình là ung dung.
Kỳ thi theo nguyên tắc cạnh tranh này cũng tạo cơ hội cho những người trẻ có thể tham dự để đảm nhiệm vị trí cao hơn, bởi trong điều kiện dự thi chỉ quy định có đóng bảo hiểm xã hội và số năm công tác mà không quy định hệ số lương (trước đây điều kiện để đăng ký dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc biên tập viên chính phải đạt hệ số lương từ 3,66; nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hệ số lương phải đạt 4,92). Theo các chuyên gia, đây chính là sự cải cách tiến bộ nhất trong điều kiện dự thi năm nay, khắc phục được hạn chế suốt thời gian qua và quan trọng là sẽ mở ra cơ hội cho lớp trẻ có năng lực đảm nhiệm được vị trí xứng đáng. Thực hiện được điều này chính là góp phần tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, tránh tình trạng "ngồi nhầm chỗ" và "sống lâu lên lão làng". Tuy nhiên, do là lần đầu thực hiện hình thức thi nâng ngạch cạnh tranh nên nhiều người khó tránh khỏi tâm lý e ngại. Cán bộ cấp dưới dự thi e ngại với cấp trên hoặc người dự thi nhưng không đỗ ngại với mọi người, sợ những lời bàn tán... Vì thế, mỗi cá nhân và đơn vị cũng cần có quyết tâm lớn và tư duy đổi mới để thích nghi với cái mới trong công tác cán bộ. Theo bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: "Thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh có số dư sẽ buộc cán bộ công chức phải cố gắng để đạt kết quả cao nhất. Hình thức này bảo đảm nâng cao chất lượng công chức so với các hình thức thi thông thường. Đến nay, Sở Nội vụ Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng Đề án tổ chức thi nâng ngạch và đề xuất chỉ tiêu nâng ngạch gửi Bộ Nội vụ. Trong đó, Sở Nội vụ đề xuất 400 chỉ tiêu cho hai năm 2011 và 2012. Sau khi Bộ Nội vụ quyết định chỉ tiêu nâng ngạch công chức, phê duyệt danh sách công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch, Sở Nội vụ sẽ tiến hành các bước cần thiết tiếp theo để thực hiện kỳ thi một cách nghiêm túc, khoa học".
Để bảo đảm chất lượng kỳ thi, Bộ Nội vụ thành lập 2 hội đồng: Hội đồng tổ chức thi và Hội đồng giám sát kỳ thi (chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng giám sát kỳ thi này). Trong đó, Hội đồng giám sát bao gồm lãnh đạo bộ là chủ tịch hội đồng, tham gia thành viên là lãnh đạo các tổ chức như: Thanh tra bộ, Vụ pháp chế, chủ tịch công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân, Đảng ủy cũng như chính quyền cơ quan giúp cho hội đồng hoàn thành đúng chức trách của mình. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: "Với việc tổ chức những kỳ thi mang tính cạnh tranh, Bộ Nội vụ mong muốn tạo ra cơ hội bình đẳng cho cán bộ công chức, bảo đảm tính nghiêm túc, minh bạch, công khai và thực chất". Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 cũng đã xác định, thực hiện chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh là một hướng để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Mọi cái mới đều không dễ dàng, song, điều quan trọng là mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần có quyết tâm thật sự để hành động. Như vậy mới vượt qua tâm lý e ngại, chấp nhận cái mới và hình thành cái mới. Đó là tiền đề để việc thi tuyển cạnh tranh đi vào nền nếp, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.