Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiền đề góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Thu Hằng| 25/11/2021 07:06

(HNM) - Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” là một trong 7 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2016-2020, do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, quản lý. Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, là tiền đề quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất sản phẩm dược chất phóng xạ và đồng vị phóng xạ từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Nhiều công nghệ năng lượng mới được ứng dụng

Với mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia, tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện, với 23 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (20 đề tài và 3 dự án sản xuất thử nghiệm), góp phần quan trọng nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình cho biết, sau 5 năm triển khai, chương trình đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, nội dung nghiên cứu, kết quả nghiên cứu đã đạt được các chỉ tiêu đề ra trong khung chương trình.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Chí Thành, chương trình đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng thành công Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân, với lò nghiên cứu mới và xây dựng thành công đưa vào vận hành mạng lưới quan trắc phóng xạ, ứng phó sự cố hạt nhân quốc gia. Chương trình góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, năng lực tư vấn thẩm định của Việt Nam trong các nhiệm vụ liên quan đến phát triển năng lượng nguyên tử của đất nước, hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ, an toàn bức xạ và môi trường, an toàn hạt nhân theo lộ trình đặt ra của các quy hoạch chi tiết phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế - xã hội, định hướng quy hoạch phát triển năng lượng nguyên tử đến năm 2030.

Cùng với đó, chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có thể ứng dụng trong các ngành kinh tế kỹ thuật, như: Các sản phẩm dược chất phóng xạ với độ tinh sạch cao, ứng dụng trong công nghệ sản xuất thuốc điều trị và chẩn đoán ung thư; các chế phẩm sinh học cho độ tinh sạch cao, ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo, tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong nước, chủ động trong sản xuất thực phẩm ăn kiêng, giảm ngoại tệ nhập khẩu. Phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ trong sản xuất giống cây trồng nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đột biến, có năng suất và chất lượng cao, chủ động trong việc sản xuất giống trong nước.

Đối với lĩnh vực năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, chương trình đã góp phần phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng, góp phần triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và môi trường, thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.

Tháo gỡ vướng mắc để phát huy hiệu quả của chương trình

Những kết quả thực hiện chương trình đã có đóng góp khoa học trong các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật liệu, nhiên liệu, hóa học... đồng thời, làm chủ một số lĩnh vực nghiên cứu, tư vấn, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ của quốc gia trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; đặc biệt là xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ với nhiều chuyên gia đẳng cấp quốc tế, có khả năng tham gia vào một số chương trình nghiên cứu với các nước tiên tiến và khu vực, tham gia tư vấn trong nước và quốc tế.

Giáo sư Mai Trọng Khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Từ năm 2013, Bệnh viện Bạch Mai mới bắt đầu áp dụng điều trị ung thư gan nguyên phát và thứ phát vì lúc đó mới mua được thuốc từ một hãng của Australia. Tuy nhiên, giá thành rất đắt, lên tới 500 triệu đồng/liều, nên không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện chữa trị. Việc sản xuất dược chất vi cầu phóng xạ ngay tại lò phản ứng Đà Lạt với giá thành chỉ bằng một nửa là một kết quả rất tuyệt vời, giúp các bệnh viện chủ động được về mặt thời gian trong thực tế chẩn đoán và điều trị”. Theo ông, ứng dụng năng lượng bức xạ ion hóa trong lĩnh vực y tế không chỉ đem lại nhiều hy vọng kéo dài cuộc sống của bệnh nhân, mà còn tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc cho xã hội.

Chia sẻ về những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình cho rằng, việc cấp kinh phí cho các nhiệm vụ thường rất chậm, phụ thuộc vào kế hoạch giao kinh phí hằng năm hoặc tiến độ xác nhận kinh phí của các đề tài, dự án. Để hoàn thành được các thủ tục này, các nhà khoa học mất rất nhiều thời gian và công sức… Bên cạnh đó, chương trình có nhiều lĩnh vực nghiên cứu với mục tiêu đề ra quá lớn, nội dung thực hiện lại quá nhiều, trong khi thời gian thực hiện chỉ có 5 năm, vì vậy nhiều nhà khoa học kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng thêm thời gian để thực hiện các nghiên cứu dài hơi.

Định hướng cho giai đoạn tới, Tiến sĩ Trần Chí Thành cho biết, chương trình sẽ tập trung vào hai vấn đề: Năng lượng nguyên tử; năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, chương trình nên có những nghiên cứu dự báo trong tương lai, những vấn đề về năng lượng của đất nước và thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ đang rà soát, điều chỉnh các thông tư, hướng dẫn, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học yên tâm, cống hiến cho hoạt động nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền đề góp phần phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.