Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiềm lực mỏng, kết quả hạn chế

Chí Kiên| 22/06/2011 07:04

(HNM) - Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết đối với sự phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện đội ngũ cán bộ làm khoa học nông nghiệp của Việt Nam chưa nhiều; còn nhiều vướng mắc trong chính sách tài chính, đối với công tác nghiên cứu, khoa học cũng như đổi mới mô hình hoạt động của các viện nghiên cứu...

Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp


Chọn giống cà chua lai trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội.
Ảnh: TTXVN


Trong 10 năm qua, kinh phí dành cho nghiên cứu KHCN nông nghiệp đã tăng trung bình 11% đến 12%/năm, năm 2001 là 189 tỷ đồng thì đến năm 2010 tăng lên 594 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT cũng tạo điều kiện cho các tổ chức khoa học công nghệ hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường trang thiết bị, đào tạo nhân lực thông qua sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA với khoảng 300 dự án phát triển KHCN.

Tuy nhiên, khoản kinh phí trên vẫn thấp so với nhu cầu, mới chiếm khoảng 0,7% GDP trong khi mục tiêu của Nhà nước đặt ra là 1,5% GDP vào năm 2010. Theo Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Bộ, mặc dù Viện được Chính phủ xếp hạng đặc biệt nhưng cơ chế làm việc hiện tại chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị đặc biệt. Chính phủ có thể nghiên cứu, sắp xếp tổng thể các viện nghiên cứu về nông nghiệp vào một tổ chức thống nhất; xếp Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam ngang tầm với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhận định, hiện năng lực KHCN nông nghiệp còn nhiều yếu kém, thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, thiếu cán bộ trẻ kế cận trình độ cao; cơ cấu nhân lực theo ngành nghề và lãnh thổ còn bất hợp lý... So với khu vực và trên thế giới, nước ta còn khoảng cách rất lớn về tiềm lực và kết quả hoạt động KHCN. Đáng nói là công nghệ tiên tiến được đầu tư mới ở một số lĩnh vực như giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản... nhưng vẫn lạc hậu, đã hạn chế năng lực cạnh tranh của nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Tạo cú hích phát triển

Tại buổi làm việc mới đây của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các nhà khoa học, quản lý khoa học nông nghiệp hàng đầu Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị để đưa KHCN nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững. Về cơ chế tài chính, nhiều ý kiến cho rằng, để đơn giản hóa, hằng năm ngân sách nhà nước bố trí cho sự nghiệp khoa học nên được đặt trong một quỹ, có thể gọi là quỹ nghiên cứu. Quỹ này không nhất thiết phải tiêu cho bằng hết trong năm tài chính cụ thể, mà được sử dụng không giới hạn về thời gian. Các nhiệm vụ khoa học đã phê duyệt sẽ được bố trí kinh phí theo tiến độ và kết quả thực hiện. Như vậy, hằng năm không cần thủ tục xin chuyển kinh phí sang năm sau và đề tài, dự án chỉ quyết toán tài chính một lần khi kết thúc. Giáo sư Trần Duy Quý cho rằng, vướng mắc về tài chính sẽ được giải quyết qua cơ chế thí điểm khoán, đặt hàng của nhà nước. "Cái gì khoán được thì khoán cho gọn để nhà khoa học thực sự chuyên tâm vào nghiên cứu". Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội Trần Đức Viên cho rằng, cần xây dựng lộ trình phát triển KHCN nông nghiệp Việt Nam trong 10 đến 20 năm, đồng thời cần một hành lang pháp lý và cơ chế cụ thể để vừa tạo động lực, vừa là áp lực nhất định để các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình đã đề ra. Về phát triển nguồn nhân lực, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu được quy hoạch và xây dựng hệ thống viện nghiên cứu với tầm nhìn hàng trăm năm, trong đó có các phân khu chức năng phù hợp, nhà công vụ, nhà chuyên gia cho các nhà khoa học đến và làm việc, đặc biệt là với các viện nghiên cứu cấp vùng. Để thúc đẩy công tác nghiên cứu, đặc biệt là thu hút trí thức trẻ, Chính phủ cần thay đổi cơ bản chính sách tiền lương, trả lương dựa vào năng lực và trách nhiệm. Có thể xây dựng chính sách trích 0,5-1% kim ngạch xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực để bổ sung cho quỹ nghiên cứu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: "Chúng ta chưa có chiến lược phát triển KHCN phục vụ nông nghiệp là một hạn chế khó chấp nhận được. Việc nhà nước đặt hàng nhà khoa học cần được thực hiện ngay… Phải có đột phá về cơ chế tài chính cũng như cơ cấu tổ chức để các nhà khoa học cống hiến được nhiều hơn nữa".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tiềm lực mỏng, kết quả hạn chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.