(HNM) - Trước tình hình dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi.
Theo Bộ Y tế, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10-2018, đến nay đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính được xác định tại 56 tỉnh, thành phố. Hiện tại, số ca mắc vẫn chưa có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ, cùng với chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4-5 năm.
Để chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh sởi lan rộng, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Mặt khác, tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Trong ngày 9-3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang có số ca mắc bệnh sởi tăng cao bất thường từ cuối năm 2018 đến nay.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến hết tháng 2-2019, thành phố ghi nhận 4.327 ca sởi, trong đó riêng 2 tháng đầu năm 2019 có đến hơn 2.600 ca. Dù hiện nay số ca sởi đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất cao so với những năm trước.
Qua phân tích tình hình, Sở Y tế thành phố ghi nhận 97% trường hợp mắc sởi không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi tại thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 96% mũi thứ 1 và 80% mũi thứ 2. Tỷ lệ này còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 95% độ bao phủ tiêm chủng đối với bệnh sởi.
Trước tình hình đó, Sở Y tế thành phố đã thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Thành phố có khoảng 300.000 trẻ trong độ tuổi này chưa tiêm chủng hoặc chưa rõ lịch sử tiêm chủng. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, một trong những khó khăn là các địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ chưa đến trường…
Kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ngành Giáo dục, UBND các quận, huyện điều tra tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi để vận động tiêm chủng cho trẻ đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông trực tiếp tại những khu vực đông dân nhập cư, nhà trọ công nhân để hiểu đúng về tiêm chủng vắc xin cũng cần được chú trọng.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các trạm y tế nâng số ngày tiêm chủng từ 1 ngày như hiện nay lên 2-3 ngày, thậm chí là 4 ngày trong 1 tháng để tạo thuận lợi hơn cho người dân; đồng thời, lập các đội tiêm chủng lưu động, sớm ngăn chặn dịch sởi lây lan ra cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.