Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích lũy bảo hiểm xã hội: Như “của để dành”

Trung Dũng| 06/06/2015 07:48

(HNM) - Thời gian qua, nhiều người lao động xôn xao bàn về việc khoản 1 Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 (có hiệu lực thi hành năm 2016) sẽ không trả chế độ trợ cấp BHXH một lần cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc.

Khi hết tuổi lao động có đóng BHXH, người lao động sẽ được cấp thẻ BHYT. Ảnh: Bá Hoạt



Nhìn lại quy định của Luật BHXH 2006, Điều 55 và Điều 56 cho phép một số trường hợp NLĐ chưa đủ điều kiện hưởng hưu mà có yêu cầu nhận BHXH một lần được làm thủ tục hưởng với mức tính mỗi năm đóng BHXH bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công đóng BHXH. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2007-2012 có tổng số hơn 4 triệu người được giải quyết chế độ BHXH thì có hơn 3,6 triệu người (chiếm khoảng 80%) hưởng chế độ BHXH một lần, con số này có xu hướng gia tăng và chỉ có khoảng 20% là hưởng lương hưu hằng tháng. Số liệu này giúp lý giải phần nào vì sao nhiều NLĐ không đồng tình với điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần tại Điều 60 Luật BHXH 2014.

Theo quy định mới, người đủ tuổi hưởng lương hưu, ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mới được xem xét hưởng BHXH một lần. Còn lại NLĐ chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định thay vì lựa chọn hưởng BHXH một lần như Luật BHXH 2006 thì khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành sẽ được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Nhiều NLĐ cho rằng, nội dung này không chỉ hạn chế quyền lựa chọn của NLĐ mà còn hạn chế cơ hội phát triển của NLĐ khi họ có thể dùng khoản tiền BHXH một lần để thay đổi việc làm, đầu tư kinh doanh, sản xuất đem lại nguồn thu bảo đảm cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, cơ hội nào cũng có hai mặt thành công và thất bại, may mắn và rủi ro. Nếu khoản BHXH một lần không sinh lời như NLĐ mong muốn thì họ sẽ sống ra sao, nhất là khi hết tuổi lao động? Nếu nhận BHXH một lần, sau đó NLĐ lại đi làm và có BHXH trở lại, khi đó họ sẽ bắt đầu tích lũy bảo hiểm từ con số 0. Rất có khả năng, họ không thể tích lũy đủ số năm đóng cần thiết khi nghỉ hưu.

Luật BHXH mới đã chú trọng xem xét điều này. Tăng cao số NLĐ tham gia BHXH được hưởng lương hưu khi về già nhằm ổn định cuộc sống cho họ và ổn định xã hội. Xét về lâu dài, NLĐ được bảo lưu thời gian tham gia BHXH trước đó để cộng dồn thời gian khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ có lợi hơn khi NLĐ nhận BHXH một lần. Điều 61 Luật BHXH 2014 cho phép NLĐ đang bảo lưu được đóng BHXH nhiều lần, đóng ở nhiều nơi, nhiều khu vực tham gia khác nhau, bao gồm cả đóng BHXH tự nguyện. Nếu NLĐ có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Trong thời gian bảo lưu, nếu không may bị từ trần, NLĐ có thể nhận được tiền mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân NLĐ cũng được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng. Khi hết tuổi lao động có đóng BHXH thì NLĐ được hưởng lương hưu, được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe (mà không phải đóng phí). Từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành, NLĐ tham gia BHXH khi thất nghiệp sẽ được trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm để quay lại thị trường lao động... Đây là những điều mà NLĐ nhận BHXH một lần không được hưởng. Một số NLĐ viện lý do cho việc lĩnh BHXH một lần là vì không biết mức độ trượt giá như thế nào, liệu khi lĩnh lương hưu có đủ sống? Được các nhà làm chính sách phân tích trên cơ sở thực tế, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh mức lương hưu tăng thêm cho tất cả những người đang hưởng lương hưu hay tăng trợ cấp hằng tháng cho NLĐ đã nghỉ chế độ 176/TTg có đủ năm công tác mà đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động.

Qua theo dõi của BHXH TP Hà Nội, đã có nhiều NLĐ sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả quỹ BHXH đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH, nhưng không thể thực hiện vì các quy định hiện hành không cho phép hồi tố.

Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, mục đích chính của Điều 60 Luật BHXH 2014 là bảo đảm cho người già có cuộc sống ổn định khi bị suy giảm sức lao động, tránh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội; nên cần hiểu tích lũy BHXH như "của để dành" cho mai sau chứ không thiệt thòi như cách nghĩ của nhiều NLĐ hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tích lũy bảo hiểm xã hội: Như “của để dành”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.