Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích hợp tín hiệu và phân tích dữ liệu để “nâng tầm” camera an ninh

Nam Trung| 03/01/2023 06:37

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hàng chục nghìn camera các loại, phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên phần lớn camera hoạt động riêng lẻ, chưa kết nối, chưa vận hành trên hạ tầng viễn thông dùng riêng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu tích hợp để phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống này.

Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 60.000 camera các loại đang hoạt động.

Chưa được tích hợp

Theo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 60.000 camera các loại lắp tại các khu dân cư để giám sát hoạt động thường ngày và khoảng 2.000 camera các loại thuộc ngành Giao thông và Công an quản lý, phục vụ giám sát giao thông và an ninh trật tự. Lượng camera “khổng lồ” này thời gian qua đã giúp ích cho các cấp, các ngành quản lý địa bàn.

Tuy nhiên, hầu hết các camera này hoạt động độc lập, chưa được kết nối thành một thể thống nhất. Đơn cử, hẻm 60/68 đường Lâm Văn Bền (phường Tân Kiểng, quận 7) có nhiều camera do chính quyền phường và nhà dân lắp đặt. Bà Phương Kim Lý, một cư dân trong hẻm, cho biết: “Mới đây, khi xảy ra một vụ trộm tài sản, công an phải rà soát từng camera một cách thủ công để tìm hình ảnh đối tượng phạm tội, nên mất nhiều công sức, thời gian”.

Trên phạm vi toàn thành phố, Trung tâm Điều hành giao thông đô thị đang quản lý hơn 1.000 camera ngoài trời, bao gồm cả 100 camera thông minh có thể đo đếm lưu lượng, vận tốc xe chạy trên đường (chỉ với ô tô). Dữ liệu từ các camera này được tập hợp về trung tâm điều khiển, nhưng việc để các nhân viên trực ca nhận biết và phân tích cùng lúc hình ảnh của hơn 1.000 camera là không dễ dàng, dù ngành Giao thông đã bước đầu thử nghiệm phần mềm mô phỏng, dự đoán tình huống từ những hình ảnh do hệ thống camera ghi nhận.

Dữ liệu của phần lớn camera bước đầu được tích hợp, nhưng khó triển khai vì có nhiều nguồn ghi khác nhau.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại một số địa phương tiên phong của thành phố Hồ Chí Minh “đi đầu” trong tích hợp hệ thống camera từ nhiều nguồn trên địa bàn. Đơn cử, quận 1 đã tích hợp được gần 1.000 camera các loại về trung tâm điều hành chung; quận 12 tích hợp được khoảng 700 camera các loại tại các khu dân cư, phục vụ giám sát, quản lý địa bàn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, hiện là Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề lớn của các hệ thống này là hạ tầng viễn thông dùng chung, gây tốn kém và không an toàn thông tin. Cùng với đó, việc phân tích một lượng lớn dữ liệu không thể chỉ trông chờ vào sức người mà phải cần sự trợ giúp của các phần mềm chuyên dụng.

Trung tâm Điều hành giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã tích hợp dữ liệu của khoảng 1.000 camera các loại, nhưng chưa có phần mềm chuyên dụng phân tích tổng thể.

Triển khai các giải pháp

Các nhà khoa học tại thành phố Hồ Chí Minh đã bước đầu nghiên cứu, ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ cho vấn đề này. Về thiết lập hệ truyền dẫn băng thông rộng, Tiến sĩ Tân Hạnh (Học viện Bưu chính – Viễn thông cơ sở thành phố Hồ Chí Minh) cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công việc mở rộng hệ thống băng thông rộng sẵn có của thành phố Hồ Chí Minh (MetroNet) với hơn 800 điểm kết nối từ các địa phương, sở, ngành với thành phố.

Tiến sĩ Tân Hạnh chia sẻ: “Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh vừa nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Thiết kế mạng băng rộng cho thành phố thông minh” do chúng tôi triển khai. Hệ thống này thiết lập một mạng băng thông rộng mới dựa trên nền tảng công nghệ IP/MPLS để đảm bảo tính đồng bộ và dễ dàng hợp nhất với hạ tầng mạng MetroNet hiện hữu. Chúng tôi đã thử nghiệm kết nối hợp nhất nhiều dữ liệu từ nhiều nơi, bao gồm cả hệ thống camera an ninh trên toàn thành phố và gặt hái được những thành công bước đầu rất đáng mừng”.

Về giải pháp phần mềm, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kỹ thuật Điện toán (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) do Tiến sĩ Nguyễn Lê Duy Lai làm chủ nhiệm đề tài đã nghiên cứu, phát triển thành công hệ thống quản lý, tích hợp và hỗ trợ phân tích dữ liệu camera thông minh (SVMS) ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Mô hình tích hợp Mạng băng rộng mới vào mạng MetroNet thành phố Hồ Chí Minh hiện hữu.

Kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống SVMS có thể cho AI “đọc” các dữ liệu camera để vẽ lại hành trình của một phương tiện theo biển kiểm soát cụ thể.

Theo đó, qua thử nghiệm, SVMS đã thể hiện khả năng tương thích cao với hầu hết nền tảng camera giám sát đang có tại thành phố Hồ CHí Minh, phân tích hình ảnh theo tính năng quản trị tập trung thời gian thực, phân loại đối tượng, cảnh báo đám đông, nhận diện biển số xe, phát hiện hành vi vi phạm giao thông, truy vết, v.v…

“Dữ liệu đặc thù của Việt Nam được đưa vào hệ thống để máy móc có thể “học sâu”, từ đó tạo thành “kiến thức” cho AI nhận biết và phân tích các dữ liệu tương ứng sau này, khác hẳn với việc dùng phần mềm sẵn có với kho dữ liệu tình huống của nước ngoài. Chúng tôi đã thử nghiệm thành công để SVMS “ra lệnh” cho hệ thống camera bám theo một biển kiểm soát phương tiện cụ thể và AI vẽ lại hành trình của phương tiện này. SVMS có thể chạy trên máy tính hoặc điện thoại thông minh”, Tiến sĩ Lê Nguyễn Duy Lai cho biết.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tích hợp tín hiệu và phân tích dữ liệu để “nâng tầm” camera an ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.