Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích đủ về “lượng” mới đổi được “chất”

Vân Vũ| 05/09/2010 06:50

(HNM) - Năm học 2010-2011, năm học mở đầu cho một kế hoạch 5 năm mới với rất nhiều nhiệm vụ mà ngành GD-ĐT phải hoàn thành, cũng như rất nhiều kỳ vọng mà xã hội đang trông chờ đã bắt đầu. Ngày đầu tiên của năm học nhiều ý nghĩa đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã chia sẻ những dự định, kế hoạch thể hiện quyết tâm "tiếp tục đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục" đã được toàn ngành quán triệt triển khai. Bộ trưởng cho biết:

Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng vui mừng đón năm học mới.
Ảnh: Nguyệt Ánh


Năm học 2010-2011, bậc mầm non và phổ thông vẫn tiếp tục thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", tập trung thực hiện tốt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thí điểm giảng dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3; đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức dạy kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh những nhiệm vụ mới này, những công việc đã được triển khai từ những năm trước sẽ tiếp tục được chú trọng như chương trình kiên cố hóa trường lớp học, trong đó chú ý tới vùng sâu, vùng xa, hải đảo; các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án phát triển giáo dục của các bậc học cũng sẽ bắt đầu một chu kỳ mới. Tất cả những việc làm ấy nhằm thực hiện có kết quả nhiệm vụ bao trùm là nhằm nâng cao chất lượng dạy chữ, từng bước có hướng nghiệp, dạy nghề ở những vùng có điều kiện và đặc biệt chú trọng dạy người, dạy kỹ năng sống cho học sinh để các em có ý thức tự chịu trách nhiệm đối với bản thân, tự giác rèn luyện và học tập, tự biết bảo vệ mình trước những cái xấu, trước những cám dỗ.

- Bộ trưởng vừa nhắc tới một nhiệm vụ không mới là "dạy người", trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc dạy kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng liệu nhà trường có thể đảm đương được nhiệm vụ này không, khi mà "nặng dạy chữ, nhẹ dạy người" đã trở thành một "thói quen" cả của những người làm công tác giáo dục và cũng như cha mẹ học sinh và xã hội.

- Đúng đây là một nhiệm vụ không mới và rất khó nhưng không thể không thực hiện. Nhà trường và ngành giáo dục không phải là lực lượng duy nhất tham gia "dạy người" nhưng là lực lượng chủ lực. Chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của mình và đã nghiên cứu một chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh để bắt đầu triển khai trong năm học mới này. Bộ cũng đã tập huấn cho giáo viên song để chương trình dạy kỹ năng sống thành công và thực sự thiết thực với học trò thì phải "địa phương hóa" chương trình chung mà Bộ đã xây dựng. Có nghĩa là, căn cứ trên chương trình của Bộ, các địa phương sẽ có sự vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình. Ví dụ như với học sinh vùng sông nước thì phải biết cách đề phòng tai nạn sông nước; học sinh ở đô thị lại phải đề phòng tai nạn đường bộ; học sinh thành phố phải biết cách "nói không" với trò chơi điện tử không lành mạnh… Phát huy tinh thần sáng tạo của các địa phương, các nhà trường, Bộ sẽ tập hợp những sáng kiến hay, những mô hình hiệu quả để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để cùng với các nhà trường tham gia vào quá trình giáo dục học sinh, hướng dẫn cho các cháu biết làm theo cái đúng, tránh xa cái xấu.

- Để triển khai được các nhiệm vụ đã đề ra và đạt được mục tiêu mà Bộ trưởng vừa nêu thì chỉ đề án, chương trình, kế hoạch thôi là chưa đủ. Quan trọng nhất là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại mỗi cơ sở giáo dục có đủ nhận thức và trình độ, có sẵn nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm để làm đúng, đầy đủ và sáng tạo sự chỉ đạo của Bộ. Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch của Bộ nhằm tạo sự chuyển biến trong từng nhà trường để làm nên bước chuyển trong toàn ngành?

- Chăm lo, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ ở năm học này. Bởi ai cũng hiểu rằng chất lượng giáo dục không thể làm nên từ ý muốn chủ quan của những nhà lãnh đạo mà chỉ có được khi từng thầy, cô giáo luôn có những tiết dạy hay, từng cán bộ quản lý ở cơ sở luôn biết triển khai những chủ trương lớn của ngành bằng những việc làm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của đơn vị. Nhưng để giáo viên luôn đầu tư công sức, đổi mới phương pháp, tổ chức những tiết dạy cuốn hút học sinh thì cơ quan quản lý của ngành phải xây dựng được những cơ chế, chính sách nhằm bồi dưỡng, khuyến khích, sử dụng đội ngũ ấy một cách hiệu quả. Trước hết, để có đủ giáo viên, giáo viên lại đạt chất lượng thì phải chăm lo xây dựng hệ thống trường sư phạm. Sau đó, có chế độ tuyển dụng, sử dụng hợp lý căn cứ trên các quy định của Nhà nước cũng như các tiêu chuẩn về nghề nghiệp. Tiếp đến là xây dựng và hoàn thiện các văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Năm nay, ngành cũng sẽ tổng kết 5 năm việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 09/2005/QĐ-TTg ngày 1-1-2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010". Trên cơ sở tổng kết những việc làm được và chưa được, ngành sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể để tác động đến đội ngũ nhằm thúc đẩy quá trình nâng cao chất lượng giáo dục.

- Cùng với đội ngũ nhà giáo, một điều kiện quan trọng để làm nên chất lượng là kinh phí. Năm học này cũng là năm học đầu tiên thực hiện lộ trình của đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, đặc biệt là điều chỉnh học phí. Năm học này cũng là năm khởi đầu cho những dự án mới với số tiền gần 27 nghìn tỷ đồng và nhiều dự án cũ cũng bắt đầu chu kỳ mới. Là một tiến sĩ kinh tế, chắc là ông sẽ chỉ đạo việc sử dụng các nguồn lực này một cách hiệu quả nhất?

- Khi nhận trọng trách, mục tiêu của tôi là cùng toàn ngành triển khai giải quyết những nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao cho. Tôi cũng sẽ cùng với Ban Cán sự Đảng bàn bạc để tiếp nối những việc mà những người tiền nhiệm đã làm, cái gì tốt rồi thì phát huy, cái gì chưa tốt thì rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn. Đây là cuộc chạy tiếp sức không bao giờ ngừng nghỉ. Bản thân tôi trưởng thành từ một trường ĐH, nhưng tôi cũng không bao giờ cho rằng tôi đã hiểu hết giáo dục ĐH. Còn với giáo dục phổ thông, tôi còn phải tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu nhiều hơn nữa. Nhưng tôi cũng có hai thuận lợi. Một là, tôi đã có 6 năm tham gia BCĐ Tây Bắc, BCĐ Tây Nguyên và BCĐ Tây Nam bộ, là những vùng khó khăn nhất nên cũng có điều kiện tìm hiểu về giáo dục phổ thông ở những vùng này. Hai là, con tôi đang học bậc trung học cơ sở, nên tôi cũng có những lo lắng, quan tâm của các bậc cha mẹ học sinh khi cân nhắc và quyết định các vấn đề của giáo dục.

Với việc quản lý tài chính cũng vậy thôi. Là người nghiên cứu và giảng dạy về kinh tế, giờ giữ trọng trách lãnh đạo ngành giáo dục, thì trong điều hành, ngoài việc cân nhắc đến góc độ chuyên môn của khoa học giáo dục, khoa học quản lý, tôi có điều kiện trực tiếp cân nhắc đến góc độ tài chính, kinh tế để tính cho hiệu quả. Theo tôi nghĩ, điều này cũng rất quan trọng, vì học phí của cha mẹ học sinh đóng góp hay kinh phí của các chương trình mục tiêu, các dự án, đề án thì đều là tiền từ mồ hôi, công sức của nhân dân, cần phải sử dụng cho hiệu quả.

- Bộ trưởng nghĩ triển vọng của giáo dục trong một vài năm tới sẽ thế nào?

- Chất lượng giáo dục không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Tôi cũng rất muốn trong ngành nhanh chóng có sự thay đổi đột phá. Nhưng phải tỉnh táo xác định rằng: Cần phải có tích tụ đủ về "lượng" thì mới dẫn tới biến đổi về "chất" được. Ví dụ, nếu muốn khẳng định là đã xóa xong mù chữ thì phải có 95% đến 97% người mù chữ đã được xóa mù. Cho nên cùng với mong muốn cháy bỏng thì còn cần phải hành động quyết tâm và kiên trì. Trong quá trình đó, tôi luôn tin tưởng rằng, triển vọng giáo dục trong vài năm tới chắc chắn sẽ tươi sáng.

- Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích đủ về “lượng” mới đổi được “chất”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.