(HNM) - Xử lý môi trường nước hàng chục hồ thuộc khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội bằng chế phẩm Redoxy-3C, trong đó có hồ Hoàn Kiếm là công việc đang được Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tích cực triển khai.
Thận trọng “cứu” hồ ô nhiễm
Rộng 12ha, nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm đang rơi vào tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng. Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội (đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường) cho biết, hồ Hoàn Kiếm đang trong tình trạng mất khả năng tự làm sạch. Lớp bùn lắng đọng ở đáy hồ ngày một dày, ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.
Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ô xy hòa tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau, ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động, thực vật trong hồ.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để làm sạch nước hồ. Ảnh: Lê Hiếu |
Với cách làm thận trọng, bài bản, mới đây, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tham vấn cộng đồng về nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Lý Thái Tổ cho rằng, nạo vét bùn để cải thiện nước hồ Hoàn Kiếm là việc cần làm ngay. Vì hồ Hoàn Kiếm không chỉ có giá trị tâm linh, giá trị lịch sử mà còn có giá trị bảo tồn đa dạng các loài sinh vật đặc hữu, như 33 loài tảo chỉ ở đây mới có.
Theo GS Dương Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Hà Nội, quá trình cải tạo, nạo vét bùn lòng hồ phải cực kỳ thận trọng để bảo đảm đa dạng sinh học. Hà Nội có 2 hồ có giá trị sinh học lớn là hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm. Trong đó, đa dạng sinh học hồ Hoàn Kiếm rất khác so với các hồ khác trên toàn quốc, nên trong quá trình lập phương án nạo vét cần công bố cụ thể các loài cá, loài tảo… để bảo đảm duy trì hệ sinh thái khi xử lý ô nhiễm hồ.
Cho rằng nạo vét, xử lý ô nhiễm nước hồ là việc làm cấp bách, PGS Hà Đình Đức phân tích, lớp bùn dưới lòng hồ nếu không được nạo vét sẽ khiến hồ nước sớm trở thành bãi lầy. Theo ông Hà Đình Đức, trong những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều hoạt động thể thao từng diễn ra ở hồ Hoàn Kiếm chứng tỏ mực nước hồ thời điểm đó rất sâu. Nhưng hiện nay độ sâu trung bình chỉ còn 1,1-1,2m.
Xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C
Hồ Hoàn Kiếm chỉ là một trong những hồ nước bị ô nhiễm, cần xử lý trên địa bàn thành phố. Ông Phan Hoài Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, qua thống kê, rà soát, đề xuất của các quận, huyện, thị xã, đơn vị đã xác định 152 hồ cần phải xử lý. Với 150 hồ còn lại trên địa bàn Hà Nội, qua phân tích chất lượng nước, công ty cũng xác định có 140 hồ bị ô nhiễm nặng, cần xử lý.
Cũng theo ông Phan Hoài Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, 34 hồ nước ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội đã được xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C. Trong đó, quý I đã xử lý các hồ khu vực Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, Đông Anh, Mê Linh, Ba Vì, thị xã Sơn Tây. Quý II tập trung vào địa bàn các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm.
“Trước đó, năm 2016, công ty đã dùng chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm nước nhiều hồ nội thành. Trọng tâm 6 tháng vừa qua là xử lý ô nhiễm ở các hồ ngoại thành, nằm trong khu vực dân cư nhằm mang lại lợi ích cao cho cộng đồng. Riêng với dự án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, đơn vị sẽ chỉ đạo tư vấn hoàn thiện các ý kiến đóng góp, đặc biệt lưu ý vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi báo cáo này hoàn thiện sẽ được bảo vệ trước hội đồng khoa học cấp bộ; và thành phố thẩm định phê duyệt trước khi triển khai. Việc nạo vét sẽ làm vào ban đêm để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng khu vực xung quanh” - ông Phan Hoài Minh cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Lý Thái Tổ, quan trọng nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về việc giữ gìn môi trường, bảo vệ hệ sinh thái hồ. Nếu sau khi cải tạo mà không có biện pháp duy trì, bảo vệ, hồ sẽ lại tiếp tục bị ô nhiễm, việc xử lý sẽ không đạt hiệu quả bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.