Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực giám sát, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

Hương Thủy| 10/10/2022 17:04

(HNMO) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Công ty phát hành đều cam kết trả đúng hạn trái phiếu đến hạn

Trao đổi với báo chí ngày 10-10, đánh giá về kinh tế vĩ mô 9 tháng qua, đặc biệt là chính sách điều hành linh hoạt về tỷ giá góp phần giảm nợ công và việc kiểm soát nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến thời điểm hiện nay các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô đều rất tích cực và dự kiến tăng trưởng năm nay sẽ đạt khoảng 7%.

Thu ngân sách nhà nước đến thời điểm hiện nay đã đạt 95,5%; CPI tăng 2,58% và ở mức dưới 4% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; nợ công khoảng 44%, kiểm soát ở mức an toàn, đảm bảo trong hạn mức mà Quốc hội giao là 60% và ngưỡng cảnh báo 55%, hạn mức chi trả dưới 25% tổng thu ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách kiềm chế ở mức dưới 4%. Kinh tế vĩ mô và quản lý nợ công năm nay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất của đồng USD sẽ tác động đến xuất nhập khẩu và tỷ giá đồng USD so với VNĐ, nhưng trong cơ cấu nợ công, đồng USD chỉ chiếm 13,5% và trong cơ cấu về xuất nhập khẩu thì đồng USD chiếm khoảng 29%. Sau khi cơ cấu lại nợ công, tính toán cho thấy tiết kiệm được khoảng 57 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là thời cơ để tăng cường, tạo thuận lợi cho xuất khẩu, phát triển sản xuất, kinh doanh, kìm chế lạm phát.

“Như vậy, chúng ta sẽ thúc đẩy được sự phát triển kinh tế - xã hội và chống lạm phát một cách hiệu quả nhất. Đồng tiền VNĐ hiện nay vẫn là đồng tiền trị giá tốt”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Liên quan đến giải pháp ổn định thị trường để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và để thị trường phát hành lành mạnh trong bối cảnh vừa qua thị trường trái phiếu diễn biến phức tạp, trong đó, một số chủ doanh nghiệp bị bắt, Bộ Trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Với nền kinh tế vĩ mô phát triển thì thị trường tài chính Việt Nam vẫn là một thị trường tốt.

Vừa qua, một số doanh nghiệp chứng khoán đã vi phạm pháp luật khi đưa ra thông tin lừa dối khách hàng và bị xử lý hình sự. Việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc vì người đảm bảo về quyền lợi của nhà đầu tư là các nhà phát hành.

Khi các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn và phát hành bị xử lý về pháp luật thì chúng tôi đã làm việc với các nhà phát hành để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư. Các công ty phát hành đều đã cam kết sẽ trả đúng hạn những trái phiếu đến hạn trả nợ.

“Chúng tôi sẽ tích cực giám sát và đảm bảo minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Nguồn cung xăng dầu cần được đảm bảo

Về nội dung hiện nay có khoảng 500 doanh nghiệp phân phối và 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu nhưng trên thị trường vẫn có tình trạng khan hiếm xăng dầu, phía Bộ Tài chính có giải pháp gì để nhằm đảm bảo ổn định giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương.

Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.

Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương, do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp. Liên quan trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Thứ nhất, về thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, về mức sàn tối thiểu. "Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng", Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Thứ hai, về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay, quy định đối với 1 lít xăng chẳng hạn như A95 là 975 đồng, sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương chúng tôi đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và đã thống nhất tăng lên 350 đồng. Như vậy, 1 lít xăng A95 hiện nay thì chi phí định mức là 1.320 đồng.

“Như vậy, Bộ Tài chính luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. Bộ đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu”, đồng chí Hồ Đức Phớc nói.

“Hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng. Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối; hay như đối với doanh nghiệp phân phối chúng ta cũng có đến 500 doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất? Đây là một vấn đề đặt ra và chúng tôi cũng đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tích cực giám sát, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.