Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết

Thanh Hiền| 04/12/2022 13:55

(HNM) - Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đây cũng là thời điểm kinh doanh sôi động nhất trong năm. Đến thời điểm này, nhiều nhà cung cấp cũng như đơn vị phân phối lớn đã chuẩn bị sẵn sàng hàng Tết phục vụ kỳ mua sắm sắp tới, nhằm giảm thiểu tối đa biến động giá, tránh ảnh hưởng đến người tiêu dùng Thủ đô dịp cuối năm.

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tháng 11-2022.

Nhận định nhu cầu tiêu thụ hàng Tết năm nay sẽ khả quan và tăng nhiều so với năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất thủy, hải sản chế biến, bánh kẹo, nước ngọt, nước giải khát... đã đặt mục tiêu sản lượng, doanh số cao. Các công ty sản xuất, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm cũng đã hoàn tất khâu chuẩn bị tại trại chăn nuôi và trại liên kết để bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm đón năm mới Tết Quý Mão 2023, Mondelez Kinh Đô đã đưa ra thị trường 38 bộ sản phẩm Tết đặc biệt với chất lượng cao cấp, bao bì ấn tượng và hương vị đặc trưng của các thương hiệu được yêu thích như: Cosy, AFC, Oreo, Solite, LU, Cadbury, Slide… Để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng, Mondelez Kinh Đô đưa sản phẩm Tết tới gần 200.000 điểm bán hàng trên cả nước cùng với việc trang trí bắt mắt trong cửa hàng, cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, Tiki, Bách Hóa Xanh online, Big C online.

Tương tự, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội sẽ đưa ra thị trường 400-450 tấn sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là các sản phẩm bánh và mứt truyền thống. “Mặc dù giá đầu vào nguyên liệu tăng hơn so với mọi năm nhưng công ty đang nỗ lực tìm giải pháp để đưa ra thị trường các sản phẩm với giá cả phù hợp nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2023”, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội Vương Trọng Tuấn cho biết.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vissan Nguyễn Phúc Khoa thông tin, sản lượng doanh nghiệp cung cấp ra thị trường 2.050 tấn thực phẩm tươi sống; 4.150 tấn thực phẩm chế biến, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa cho cao điểm Tết đạt trên 710 tỷ đồng. Đặc biệt, trong các ngày 28, 29 và 30 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Vissan có chương trình khuyến mãi giảm giá sốc để tạo điều kiện cho người lao động chưa có điều kiện mua sắm Tết mua sắm thực phẩm bảo đảm chất lượng an toàn.

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2022, kinh tế Thủ đô được phục hồi, ổn định, đời sống người dân được cải thiện, nên dịp cuối năm nay và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu mua sắm sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng giá trị hàng hóa trên địa bàn Thủ đô đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% so với Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022).

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của thành phố giao. Cùng với đó, các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu phải có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, giá cả ổn định và bảo đảm công tác phòng, chống dịch phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Thành phố cũng sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân; triển khai các sự kiện của thành phố thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn.

Đặc biệt là hoạt động liên kết vùng, đưa hàng hóa của các địa phương về Hà Nội, phát triển điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2022, chủ động về hàng hóa, ổn định giá cả để góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết… Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân. Qua đó, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, đồng thời bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích cực chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.