Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thụy Sỹ thả nổi đồng franc: “Cơn sóng thần” trên thị trường tài chính

Quỳnh Chi| 19/01/2015 06:23

(HNM) - Thị trường tài chính thế giới đã nhận một cú sốc lớn trong tuần qua khi Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) bất ngờ quyết định để đồng nội tệ (franc) của nước này về đúng giá trị thực. Từng được coi là một trong những đồng tiền ổn định nhất thế giới, sự kiện đồng franc Thụy Sỹ bất ngờ được thả nổi

Việc Thụy Sỹ thả nổi đồng franc đã khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo.



Có rất nhiều lý giải cho động thái của Bern. Năm 2011, trong thời kỳ trầm trọng nhất của cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), vị thế "hầm trú ẩn an toàn" đã biến Thụy Sỹ thành một ốc đảo yên bình. Tất nhiên, khi mọi người đều muốn để tiền ở Thụy Sỹ, giá trị đồng franc tăng lên chóng mặt: Nếu như đầu năm 2010, 1 franc chỉ tương đương chưa đến 0,7 euro thì đến giữa năm 2011, đồng tiền này gần ngang bằng với euro. Việc đồng nội tệ tăng giá quá mạnh cũng là tin xấu đối với các công ty xuất khẩu khi chứng kiến hàng hóa sụt giảm khả năng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài. Trong khi đó, Thụy Sỹ được biết đến là quốc gia với các mặt hàng xuất khẩu xa xỉ như đồng hồ và dược phẩm, vì vậy một đồng nội tệ mạnh sẽ gây nhiều hệ lụy. Ngoài ra, còn có những lý do khác liên quan hệ thống tài chính khi một quốc gia phải tiếp nhận dòng vốn bên ngoài ồ ạt chảy vào. Do đó, SNB đã áp dụng mức trần tỷ giá 1,20 franc/1 euro. Thế nhưng, sau 3 năm, SNB đã tỏ ra "thấm mệt" để tiếp tục duy trì cuộc chơi tỷ giá - vốn là cuộc chơi chỉ dành cho những "ông lớn", nhất là trong bối cảnh đồng euro tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền khác. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) lại đang nhen nhóm một chương trình kích thích có thể khiến đồng euro sụt giảm mạnh hơn nữa.

Trong bối cảnh đà phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn chưa rõ ràng, quyết định của SNB đã khiến không ít nhà đầu tư choáng váng vì giá trị franc Thụy Sỹ bất ngờ tăng vọt. Các hãng môi giới có đầu mối tại Bern vốn đã ngập chìm trong thua lỗ, kể cả những ngân hàng lớn nhất thế giới, càng thêm khó khăn vì đồng tiền "trú ẩn" bỗng mất giá. Là đồng tiền ổn định, franc lại được giao dịch với khối lượng lớn nên quyết định của SNB tuần qua đã dội vào thị trường tiền tệ toàn cầu một gáo nước lạnh. Các giao dịch chưa kịp thoái vốn được dự báo sẽ chịu thua lỗ nặng nề. Báo cáo mới nhất cho thấy Ngân hàng Citigroup và Deutsche Bank đã mất hơn 150 triệu USD. Các nước Đông Âu cũng "lãnh đủ" do nhiều người dân có các khoản vay thế chấp tính bằng franc. Đồng tiền này tăng giá cũng có nghĩa những khoản vay này đang trở nên đắt đỏ hơn gấp nhiều lần.

Cú thả nổi đồng franc cho thấy nền kinh tế Thụy Sỹ cũng đang phải đối mặt những ảnh hưởng tiêu cực trong một thế phẳng về tài chính của quá trình toàn cầu hóa. Ngay trong tuần đầu tiên đồng franc được thả nổi, thị trường chứng khoán Thụy Sỹ đã chứng kiến đà lao dốc mạnh nhất kể từ năm 1989. Nhiều nhà đầu tư cho rằng với đồng franc quá mạnh, các doanh nghiệp Thụy Sỹ sẽ phải vật lộn để duy trì hoạt động xuất khẩu. Chỉ trong ít ngày, cổ phiếu của hãng đồng hồ Swatch bốc hơi 15% và Giám đốc điều hành Swatch, Nick Hayek, gọi quyết định của SNB là "một trận sóng thần" đối với nền kinh tế Thụy Sỹ. Giám đốc Đầu tư Ngân hàng UBS Mark Haefele ước tính động thái của SNB có thể khiến các nhà xuất khẩu Thụy Sỹ thất thoát gần 5 tỷ franc, tương đương 0,7% sản lượng kinh tế nước này.

Theo khảo sát với 22 chuyên gia kinh tế của Hãng tin Bloomberg, không ai trong số họ dự đoán được SNB sẽ dỡ bỏ mức sàn tỷ giá nội tệ trong năm 2015, chỉ có 4 chuyên gia kinh tế dự báo Thụy Sỹ có thể sẽ làm điều này trong năm 2016. Vì vậy, sự kiện đồng franc Thụy Sỹ "đổi ngôi" đột ngột về mặt giá trị với tư cách là đồng tiền được xếp hạng thứ ba trong các giao dịch toàn cầu sẽ còn tạo những "dư chấn" đối với thị trường tài chính thế giới trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thụy Sỹ thả nổi đồng franc: “Cơn sóng thần” trên thị trường tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.