(HNMO) – Tại Thụy Điển, hơn 99% tổng lượng rác thải sinh hoạt đều đã được tái chế. Thậm chí, quốc gia này còn nhập khẩu hàng triệu tấn rác thải để sản xuất điện năng.
Tiến tới một đất nước không có rác
Còn gì tuyệt vời hơn khi tất cả rác thải đều được tái chế thành các sản phẩm mới, nguyên liệu thô, khí đốt và năng lượng nhiệt? Thụy Điển đã gần đạt tới ngưỡng như vậy. Hơn 99% tổng lượng rác thải từ các hộ gia đình tại quốc gia này đều đã được tái chế, bằng nhiều cách khác nhau. Trong năm 1975, chỉ có khoảng 38% lượng rác thải được tái chế, nhưng đến nay con số này đã đạt đến gần 100% nhờ cuộc cách mạng tái chế rác thải trong suốt những thập kỷ vừa qua.
Hiện nay, tại Thụy Điển, theo quy định, các điểm tái chế rác thải phải được xây dựng trong vòng bán kính khoảng 300 mét từ các khu dân cư. Phần lớn người dân có các thùng phân loại rác ngay tại gia đình. Người Thụy Điển thường để riêng báo, đồ nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện tử, pin... vào thùng chứa riêng. Rác thải thực phẩm cũng sẽ được phân tách để tái sử dụng hoặc tái chế. Rác đã được phân loại sẽ được tập kết tới các thùng chứa đặc biệt ở các tòa nhà, các khu dân cư và sau đó được chuyển tới địa điểm tái chế. Tại đây, báo sẽ được nghiền thành bột giấy, chai lọ sẽ được tái sử dụng hoặc nung chảy để sản xuất các sản phẩm mới, rác thải nhựa sẽ được tái chế thành nhựa nguyên liệu, thực phẩm sẽ được ủ hoặc xử lý hóa học để trở thành phân bón hoặc khí sinh học.
Tại Thụy Điển, các xe chở rác thường chạy bằng năng lượng tái chế hoặc khí sinh học. Một số xe chở rác đặc biệt sẽ chạy quanh thành phố để thu nhặt các loại rác thải nguy hại như đồ điện tử hay hóa chất. Thuốc men người dân sử dụng còn dư sẽ được đưa tới các nhà thuốc để được xử lý an toàn. Những loại rác thải cỡ lớn như nội thất hư hỏng hay tivi cũ sẽ được đưa tới các trung tâm tái chế ở ngoại ô thành phố.
Rác từ các thùng chứa sẽ được chuyển bằng hệ thống ngầm dưới lòng đất tới các điểm tập kết. |
Không chỉ các hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp tại Thụy Điển cũng chung tay giảm lượng rác thải. Công ty thời trang H&M đã từng có sáng kiến khuyến khích khách hàng mang quần áo cũ tới cửa hàng để được giảm giá khi mua quần áo mới. Công ty sản xuất túi Optibag phát triển loại máy phân loại túi rác nhờ màu sắc. Theo đó, người dân sẽ đựng rác thực phẩm bằng túi màu xanh lá cây, giấy loại vào túi màu đỏ,... Tại nhà máy tái chế, chiếc máy do Optibag chế tạo sẽ tự động phân loại rác theo màu sắc túi, giúp tiết kiệm thời gian xử lý rác thải.
Còn tại thành phố Helsingborg, miền Nam Thụy Điển, các thùng chứa rác ở nơi công cộng được gắn loa phát nhạc, thu hút sự chú ý của người dân và khiến cho việc đổ rác trở thành một trải nghiệm vui vẻ.
Biến rác thải thành điện năng
Khoảng 50% tổng lượng rác thải hộ gia đình của Thụy Điển được đưa tới các lò đốt để chuyển thành năng lượng. Những nhà máy đốt rác đầu tiên được xây dựng vào năm 1904. Vào thời điểm đó, phần lớn các nhà máy đốt rác được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Sau nhiều thập kỷ phát triển, công nghệ tái chế rác ngày càng trở nên hiệu quả và hệ thống các nhà máy đốt rác đã được nhân rộng trên khắp cả nước.
Năm 2014, quốc gia Bắc Âu này thậm chí đã nhập khẩu 2,7 triệu tấn rác từ các nước khác để làm nhiên liệu tạo ra điện năng. Điều này có vẻ như một nghịch lý khi một quốc gia nhập khẩu hàng triệu tấn rác thải. Tuy nhiên, Chính phủ Thụy Điển coi rác là một loại nhiên liệu giá rẻ để sản xuất điện năng.
Nhà máy sản xuất điện năng từ rác thải ở Linkoping (Thụy Điển). |
Sau quá trình đốt rác, lượng tro thu được chiếm khoảng 15% tổng trọng lượng rác thải ban đầu. Từ số tro này, kim loại sẽ được tách riêng và tái chế, phần còn lại sẽ được sàng lọc để đưa vào một số công trình xây dựng, ví dụ như làm đường. Khoảng 1% lượng rác thải không thể tái chế còn lại sẽ được đưa tới các bãi chôn lấp. Với công nghệ tiên tiến, khói từ các lò đốt rác của Thụy Điển bao gồm 99,9% cacbon điôxít và nước, nhưng vẫn sẽ được tiếp tục lọc qua các hệ thống lọc. Bùn từ hệ thống lọc này sẽ được sử dụng để lấp đầy các mỏ quặng bị bỏ hoang.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.