(HNMO) - Ngày 1-8 (theo giờ địa phương), với 67 phiếu thuận và 28 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách cho tài khóa 2020 và nhất trí duy trì trần nợ công hiện tại thêm 2 năm.
Trong tuần trước, dự luật ngân sách cho tài khóa 2020 đã vượt qua ải Hạ viện. Theo đó, mức chi tiêu ngân sách cho tài khóa 2020 vào khoảng 1,37 nghìn tỷ USD, tăng 320 tỷ USD so với tài khóa hiện tại.
Mức chi tiêu này được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong tài khóa 2021. Cả Thượng viện và Hạ viện đều nhất trí tiếp tục duy trì mức trần nợ công như hiện tại đến hết ngày 31-7-2021.
Những người ủng hộ dự luật cho rằng, việc tăng chi tiêu là cần thiết để thúc đẩy các hoạt động của Chính phủ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng.
Tuy nhiên, một số nghị sĩ lo ngại, việc tăng chi tiêu có thể sẽ khiến thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục phình to. Hiện nay, tổng mức nợ công của Chính phủ Mỹ đã vượt ngưỡng 22.000 tỷ USD, trong khi mức thâm hụt ngân sách năm 2019 được dự báo khoảng 1.000 tỷ USD.
Với dự luật này, Chính phủ Mỹ đã tránh được nguy cơ vỡ nợ trong tháng 9. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng lo ngại rằng, Chính phủ Mỹ có thể sẽ cạn nguồn ngân sách vào đầu tháng 9 và có thể sẽ phải ngừng hoạt động do lưỡng viện chưa kịp thông qua ngân sách cho tài khóa mới.
Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật này sẽ được chuyển tới phòng Bầu dục để Tổng thống Donald Trump ký ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.