(HNMO) - Chiều 14-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố và một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành thành phố.
Đây là hội nghị có ý nghĩa quan trọng, trước khi các nội dung trên được đưa ra xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để UBND thành phố trình HĐND thành phố tại kỳ họp diễn ra vào tháng 12-2020.
Tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển
Trình bày báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết, trên cơ sở các chỉ đạo của Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố, đến nay việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã đạt được một số kết quả, thể hiện trên 8 nhóm nội dung.
Đáng chú ý, trên cơ sở rà soát, dự kiến khả năng thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố dự thảo Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó có bố trí nguồn thu này để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố khoảng 18.000 tỷ đồng. Thành phố cũng dự kiến chuyển 8.000 tỷ đồng dư từ nguồn cải cách tiền lương bố trí đầu tư phát triển.
Về cơ chế sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác trong nước, cho phép các quận sử dụng ngân sách cấp quận hỗ trợ các huyện khó khăn, năm 2021, thành phố dự kiến hỗ trợ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên cho một số tỉnh, thành phố trên cả nước có khó khăn. Đến nay, một số quận cũng đã có đề xuất hỗ trợ một số huyện về đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Báo cáo về đầu tư công và các nội dung liên quan, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, năm 2020, Thành ủy, HĐND thành phố, UBND thành phố đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, liên tục với từng dự án cụ thể. Thành phố đã lập 6 tổ công tác liên ngành kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 3 lần/tháng.
Tính đến ngày 10-11-2020, toàn thành phố đã giải ngân được 22.354,5 tỷ đồng, đạt 51,1% kế hoạch thành phố giao và bằng 57,5% kế hoạch trung ương giao.
Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển của cấp thành phố là 28.109 tỷ đồng (tăng 0,2% so với năm 2020), trong đó, bố trí vốn thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công là 23.909 tỷ đồng và cân đối bố trí cho các nhiệm vụ đầu tư phát triển khác là 4.200 tỷ đồng.
Tại hội nghị, các đồng chí Thường trực Thành ủy đã cho ý kiến vào các lĩnh vực ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 như xử lý môi trường, cấp nước sạch cho các xã khó khăn; đầu tư hệ thống chợ dân sinh; các công trình vệ sinh trường học và nhà văn hóa đối với các thôn còn thiếu thiết chế này...
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, việc xây dựng cơ chế thống nhất để các quận có thể hỗ trợ các huyện là rất cần thiết. Đồng chí đề nghị, với các khoản hỗ trợ của các quận cho các huyện nhằm mục tiêu xây dựng nông thôn mới thì nên tập trung về một đầu mối, ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, nhưng nhu cầu cấp bách…
Trong khi đó, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, sau cuộc làm việc, các sở, ngành tiếp tục rà soát theo thứ tự ưu tiên để hoàn thiện danh mục các dự án; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tính toán một cách căn cơ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.
Triệt để tiết kiệm chi, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Sau khi nghe ý kiến trao đổi, thảo luận và phát biểu của các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, đối với một số nội dung về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương rà soát, hoàn thiện từng nội dung trên cơ sở tính toán căn cơ về giải pháp, lộ trình thực hiện bảo đảm tính khả thi cao và kịp thời trình HĐND thành phố trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, cùng với nội dung trên, Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương chuẩn bị kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch đầu tư công năm 2021 để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trước khi trình HĐND thành phố thông qua.
Đối với kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2021-2023), 5 năm (2021-2025) và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ trình các vấn đề có tính chất khung khổ, nguyên tắc, để dành thời gian tập trung bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở những căn cứ xác đáng, bảo đảm phù hợp với khả năng chi và tính khả thi cao nhất.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các kế hoạch trên phải gắn bó chặt chẽ với nhau và gắn với quy hoạch phát triển thành phố, bảo đảm triển khai kịp thời, đầy đủ các công trình dự án và thực hiện các nhiệm vụ củng cố, phát triển hệ thống an sinh xã hội; giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc như cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông...
Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát từng dự án năm 2021, trên cơ sở đó thẩm định kỹ, nhất là tổng mức đầu tư phải sát thực tế; từ nhu cầu đầu tư của các cấp, các ngành xác định rõ thứ tự ưu tiên.
Trong đó, cần tập trung những lĩnh vực quan trọng như các công trình liên kết vùng, hạ tầng khung, kết cấu hạ tầng giao thông trong đô thị, các dự án hiện thực hóa quan điểm phát triển đồng đều của thành phố như quốc lộ 1A (cũ), quốc lộ 21B; hạ tầng cho những huyện đang phấn đấu lên quận, hạ tầng công nghệ thông tin...
“Trong năm 2021, phải giải quyết dứt điểm tình trạng thôn, tổ dân phố thiếu nhà văn hóa và giải quyết ít nhất 50% địa bàn thiếu chợ dân sinh”, đồng chí Vương Đình Huệ giao nhiệm vụ.
Về các nguyên tắc và giải pháp trong các kế hoạch liên quan đến tài chính - ngân sách, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các cấp, các ngành liên quan phải tập trung vào giải pháp tăng thu, đồng thời triệt để tiết kiệm, nhất là các khoản chi khánh tiết, đi công tác nước ngoài...
Đặc biệt, phải vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, nhất là những cơ chế, chính sách mới đã được trung ương cho phép như giải phóng mặt bằng theo cơ chế rút gọn hay ứng trước từ nguồn dự trữ tài chính...
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng lưu ý, việc thực hiện các cơ chế liên quan đến tài chính - ngân sách phải bảo đảm đúng quy định pháp luật, không được phép vi phạm nguyên tắc, không để tồn tại cơ chế “xin - cho” và phải nhất quán, rõ ràng, mạch lạc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.