Trong tiến trình xây dựng và phát triển 70 năm đầy tự hào của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Tây Hồ đã nỗ lực không ngừng và đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Nỗ lực này góp phần tích cực vào những kết quả Thủ đô Hà Nội đạt được trong 70 năm qua. Kết quả đã đạt được cũng từng bước giúp quận Tây Hồ hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô.
Những bước chuyển mình mạnh mẽ
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, từ năm 1954 đến nay, Thủ đô Hà Nội đã có 7 lần được phê duyệt quy hoạch chung. Từ bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được phê duyệt năm 1992, khu vực hồ Tây đã được xác định là trục trung tâm của Hà Nội với tiêu chí tổng quát: “Khu vực hồ Tây phải được quy hoạch xây dựng thành trung tâm giao dịch quốc tế, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hóa - thể thao và là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí của Thủ đô”.
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô, ngày 10-4-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Tây Hồ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. UBND quận đã ban hành Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 1-6-2022 phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Căn cứ thực tiễn của địa phương, quận Tây Hồ xác định phát triển công nghiệp văn hóa tập trung vào các lĩnh vực: Du lịch văn hóa, làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống, không gian văn hóa sáng tạo, phát huy giá trị của các di tích... phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
Tính riêng 6 tháng năm 2024, quận Tây Hồ đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.647,9 tỷ đồng - bằng 59% kế hoạch năm, tăng 435 tỷ đồng và bằng 135% so với cùng kỳ năm trước. Quận đã khai trương điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống làm giấy dó của vùng Bưởi xưa; tổ chức thành công các chương trình, sự kiện lớn với nhiều điểm nhấn... Quận đã thành lập và ra mắt Ban Quản lý hồ Tây, xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận” làm cơ sở khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Tây Hồ.
Đáng chú ý, trung tuần tháng 7 vừa qua, quận Tây Hồ đã tổ chức thành công Lễ hội Sen Hà Nội giới thiệu các sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024, thu hút hơn 50.000 lượt khách, mở ra nhiều triển vọng cho việc xây dựng thương hiệu văn hóa, du lịch đặc trưng của quận Tây Hồ.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số do quận triển khai đã đạt được kết quả tích cực. Nổi bật là việc thực hiện thí điểm thành công việc thu phí không dừng tại phủ Tây Hồ; 100% chợ, 21 tuyến phố trên địa bàn áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận luôn được giữ vững... Những kết quả này đã giúp quận Tây Hồ từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô.
Hướng tới mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thông minh
Xác định rõ những mục tiêu quan trọng cần thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ, quận Tây Hồ sẽ tập trung thực hiện một số nội dung quan trọng nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được thành phố giao.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, quận sẽ tăng cường quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng; tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch của UBND quận về lập quy hoạch chi tiết khu vực phân khu đô thị sông Hồng; tiếp tục phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phê duyệt đồ án lập Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, phường Quảng An, tỷ lệ 1/500...
Đặc biệt, quận sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2024; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số góp phần xây dựng quận Tây Hồ thông minh; tiếp tục hoàn thiện Đề án “Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận” trình thành phố phê duyệt.
Nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, toàn Đảng bộ sẽ tiếp tục làm tốt công tác chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Song hành với việc triển khai có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, toàn Đảng bộ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng viên bốn tốt”; nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo, đăng ký đảm nhận “việc mới, việc khó” của cán bộ, đảng viên... Cùng với đó, quận sẽ nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự, văn kiện Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ quận lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo đúng kế hoạch đề ra.
Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, thời gian tới, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục đề cao việc thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, lấy chỉ số hài lòng của người dân là "thước đo" thực thi công vụ. Đây chính là nền tảng quan trọng để từng bước xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.