(HNM) - Trong đời sống xã hội, pháp luật luôn có vai trò quan trọng đặc biệt, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, tình trạng “nhờn” luật, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật vẫn đang là một vấn đề nhức nhối.
Ví dụ đơn giản nhất là một bộ phận không nhỏ người dân không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường… đã trở thành chuyện “cơm bữa”. Nặng nề hơn cả là tình trạng “nhờn” luật có hệ thống (thực chất là vi phạm pháp luật) xảy ra ở một số nơi và mức độ ngày càng trắng trợn.
Đó là việc hàng chục giang hồ ở Đồng Nai ngang nhiên chặn xe, giữ người trái phép; doanh nghiệp bất động sản tự ý mua bán đất, lập dự án ma ở Bà Rịa - Vũng Tàu, khi bị cơ quan chức năng cưỡng chế thì tổ chức lực lượng cản trở, đập phá phương tiện, kéo đến cơ quan công quyền đòi thả người.
Đó là tình trạng nhiều chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa… “tự ý” xây hàng chục căn biệt thự, nâng tầng các dự án chung cư mà chính quyền sở tại làm ngơ hoặc chậm xử lý… Thậm chí có cả cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh, nắm luật, hiểu luật nhưng vẫn cố tình xây dựng công trình trái phép.
Ai cũng hiểu căn nguyên gây ra bệnh “nhờn” luật, ý thức tôn trọng pháp luật kém là do cơ quan chức trách buông lỏng quản lý; người có trách nhiệm mà vô trách nhiệm; người bảo vệ pháp luật nhưng lại vi phạm pháp luật... dẫn tới kỷ cương phép nước bị coi thường. Một nguyên nhân khác nữa bắt nguồn từ thói quen, văn hóa ứng xử "một trăm cái lý không bằng một tý cái tình", "phép vua thua lệ làng"... Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ nếu bị công an giữ lại, không ít người sẵn sàng gọi điện "cầu cứu người thân" cạy cục, xin xỏ thay vì nhận ra hành vi vi phạm của mình…
Trong quá trình phát triển, yêu cầu xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là tất yếu. Muốn vậy, cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngày Pháp luật ra đời từ năm 2013 và được triển khai đều đặn từ đó đến nay đã khẳng định yêu cầu đó.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta năm 1946, khởi đầu cho tiến trình xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Vì vậy, Ngày Pháp luật khơi dậy trong mọi công dân ý thức về trách nhiệm, bổn phận và quyền lợi của mình để tham gia một cách tích cực vào đời sống chính trị, xã hội.
Ngày Pháp luật cũng có ý nghĩa hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ đúng đắn trên cơ sở pháp luật; đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống.
Cùng với cả nước, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn thành phố năm 2019. Kế hoạch nêu rõ, hoạt động hưởng ứng cần tập trung vào các nội dung: Quán triệt, phổ biến chính sách, quy định mới, nhất là nội dung các luật được Quốc hội thông qua trong năm 2019 và các luật có hiệu lực năm 2019; phổ biến, thông tin về cải cách hành chính; đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật… Cùng với đó là tuyên truyền các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội…
Tuy nhiên, Ngày Pháp luật sẽ không chỉ giới hạn là ngày 9-11, mà cần được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng nhằm nhắc nhở, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân đều thượng tôn pháp luật.
Điều quan trọng hơn cả là ý thức tuân thủ pháp luật không tự nhiên có, mà hình thành qua quá trình học tập, bồi đắp tri thức và tạo lập nhân cách từ khi còn nhỏ. Do đó, mỗi người lớn đừng thờ ơ với những việc tưởng chừng nhỏ nhặt như vi phạm quy định khi tham gia giao thông, xả rác bừa bãi nơi công cộng… Bởi con trẻ trong mỗi gia đình luôn nhìn vào người lớn để hành động theo. Và khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật dễ bị lầm tưởng thành những hành vi được phép.
Đã đến lúc việc thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực phải thật nghiêm. Không ai có thể né luật, lách luật, làm méo mó kỷ cương phép nước. Đó chính là thông điệp nhất nhất mọi người phải tuân thủ, cùng hướng tới xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.