Nông nghiệp - Nông thôn

Thường Tín: Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Ngọc Quỳnh 05/06/2024 - 06:53

Thời gian qua, huyện Thường Tín đã thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh trên địa bàn huyện không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

thuong-tin.jpg
Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội khảo sát mô hình trồng nho hạ đen tại xã Chương Dương (huyện Thường Tín). Ảnh: Hương Giang

Phát triển theo hướng xanh, an toàn

Với diện tích 3ha tại xã Lê Lợi (huyện Thường Tín), các nông sản của Công ty cổ phần Nông nghiệp Hoàng Gia được quản lý bằng tiêu chuẩn và ứng dụng phần mềm VfSC - phần mềm mở, áp dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp Hoàng Gia, các nông sản, thực phẩm được sản xuất, chế biến tại trang trại của công ty thường xuyên được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu, bảo đảm các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm. Toàn bộ vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất tại trang trại đều được kiểm tra theo các tiêu chí, như: Chất lượng, giá cả, dịch vụ… và đều phải được phê duyệt trên phần mềm VfSC trước khi mua và sử dụng để canh tác, nuôi trồng.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Duy Tới (xã Chương Dương, huyện Thường Tín) Đào Duy Tới thông tin, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ ngành Nông nghiệp Hà Nội và huyện Thường Tín, trong 2 năm qua, hợp tác xã đã trồng cây nho hạ đen. Để có được những vườn nho trĩu quả, ngoài việc cải tạo đất cho phù hợp với dòng nho hạ đen, hợp tác xã còn phải đầu tư làm hệ thống nhà kính. Với giá mà thương lái đặt hàng hiện là 130.000 đồng/kg, mô hình trồng cây nho hạ đen mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5-6 lần so với cây lúa.

“Tưởng chừng vùng đất khó Chương Dương chỉ hợp với cây lúa nước, cây hoa màu truyền thống, song mô hình trồng nho hạ đen đã và đang mở ra hướng đi mới khả quan, mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây…”, ông Đào Duy Tới phấn khởi nói.

Về hiệu quả của các mô hình nông nghiệp xanh, an toàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh đánh giá, trên địa bàn huyện Thường Tín hiện có 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Điển hình là các mô hình: Sản xuất rau an toàn tại các xã: Hà Hồi, Lê Lợi, Tân Minh, Ninh Sở; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã: Ninh Sở, Thư Phú, Hòa Bình, Lê Lợi, Duyên Thái, Tiền Phong; nông nghiệp giáo dục trải nghiệm ở xã Hồng Vân… Mặc dù mô hình sản xuất rau công nghệ cao tại xã Lê Lợi và trồng nho hạ đen ở xã Chương Dương mới chỉ “bén duyên” với những vùng đất này, song kết quả khảo sát, đánh giá bước đầu cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, huyện Thường Tín tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Tập trung gỡ khó về đất đai, nguồn vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, an toàn trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn gặp không ít khó khăn, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế…

Để các mô hình nông nghiệp xanh phát huy hiệu quả, Giám đốc Hợp tác xã Duy Tới Đào Duy Tới kiến nghị, các ngành chức năng hỗ trợ hợp tác xã vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng khu chế biến, đóng gói theo quy trình khép kín. Cũng theo ông Đào Duy Tới, hợp tác xã mong muốn được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ký hợp đồng thuê đất ít nhất 20-30 năm, thay vì 5 năm như hiện nay.

Tại buổi khảo sát thực tế mô hình trồng rau công nghệ cao ở xã Lê Lợi và nho hạ đen ở xã Chương Dương mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhận định, đây là mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Song, để nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, an toàn, huyện Thường Tín cần khuyến khích và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của nông dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, thời gian tới, huyện tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, tạo vành đai xanh cho thành phố Hà Nội. Huyện cũng sẽ tập trung tháo gỡ về đất đai, nguồn vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao theo hướng an toàn; hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín: Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.