An toàn thực phẩm

Thường Tín tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh 28/05/2024 - 14:22

Hiện, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Thường Tín chuyển biến tích cực nhưng vẫn khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế...

Nhằm nâng cao ý thức cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, Thường Tín đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm...

Số cơ sở nhiều nhưng còn nhỏ lẻ

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Thường Tín Trần Ngọc Tuân, hiện nay, trên địa bàn huyện có 2.247 cơ sở sản xuất, chế biến, giết mổ gia cầm, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; 2 siêu thị, 21 chợ buôn bán nông sản, thực phẩm đang hoạt động.

Để nâng cao ý thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bảo đảm an toàn điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tăng cường trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn, sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng; hiểu đúng, tìm hiểu kỹ thông tin về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dùng đúng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

kiem-tra-attp-tai-thuong-tin.jpg
Huyện Thường Tín tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm bán tại siêu thị trên địa bàn (Ảnh: Hương Giang)

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tổ chức tuyên truyền về chính sách, pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm trên hệ thống loa truyền thanh huyện và các xã, thị trấn; công khai cơ sở, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Để kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm, từ tháng 4-2024 đến nay, các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành của huyện, xã đã kiểm tra 665 cơ sở; qua đó xử lý 11 cơ sở với số tiền gần 40 triệu đồng. Công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được giải quyết đúng thời gian và đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định.

kiem-tra-thuong-tin-1.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Thường Tín kiểm tra chất lượng hàng hóa bán tại các siêu thị (Ảnh: Lâm Nguyễn).

Thời gian qua, công tác quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hạn chế. Nhiều máy móc, nhà xưởng của các doanh nghiệp bị xuống cấp, không bảo đảm chất lượng, thiếu vốn... Chính sách hỗ trợ từ Nhà nước chưa đủ mạnh mẽ để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đang gặp khó khăn do thiếu các phương pháp xét nghiệm nhanh phát hiện các chất có hại; kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống càng khó khăn vì đa số nông dân không có thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc nông sản, khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Để tháo gỡ khó khăn, tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa không bảo đảm, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Cùng với đó, huyện rà soát, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, chợ an toàn thực phẩm; kiên quyết xóa bỏ, ngăn chặn việc phát sinh chợ tạm, chợ cóc không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.

Đối với các xã, thị trấn, huyện yêu cầu ký cam kết trách nhiệm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm, cần tuân thủ quy định về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy phép kinh doanh, hàng hóa có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ…

3752_rau-mam-thanh-ha.jpg
Huyện Thường Tín nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn để cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường (Ảnh: Trí Nhân).

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh an toàn và thay đổi hành vi tiêu dùng nông sản, thực phẩm.

Huyện đề nghị các sở, ngành thành phố tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm cấp huyện, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, kiểm tra thuộc lĩnh vực công thương, nông nghiệp để phát hiện, kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Y tế tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế làm công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm. Các sở, ngành tham mưu thành phố tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia cầm tập trung trên địa bàn; đầu tư kinh phí, trang thiết bị, mẫu xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, nâng cao ý thức của tiểu thương trong kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín tháo gỡ khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.