Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thưởng thức các tác phẩm tiêu biểu nhất của điện ảnh Đức

T.Minh| 14/01/2011 15:36

(HNMO)- Từ ngày 17/1 đến 22/1/2011, tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ trình chiếu miễn phí 6 bộ phim tiêu biểu nhất của điện ảnh Đức tròng vòng 60 năm qua.


(HNMO)- Từ ngày 17/1 đến 22/1/2011, tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ trình chiếu miễn phí 6 bộ phim tiêu biểu nhất của điện ảnh Đức tròng vòng 60 năm qua.

Trong suốt năm 2010, khán giả Việt Nam đã được đắm mình trong lịch sử điện ảnh Đức và lịch sử nước Đức nói chung. Các bộ phim tiêu biểu của 6 thập kỷ đã mở ra cánh cửa để nhìn lại từng thời kỳ lịch sử. Khán giả Việt sẽ có cơ hội xem lại những phim được ưa thích nhất trong loạt phim đã giới thiệu, để lướt lại lịch sử 60 năm điện ảnh Đức trong sáu ngày.

Đó là các bộ phim: Trời vắng sao (1955) của đạo diễn Helmut Käutner (Thập kỷ 50) sẽ được trình chiếu vào 19h30 ngày 17/1/2011. Bộ phim “Trời vắng sao (1955) nói về giai đoạn nước Đức trước giai đoạn xây bức tường Berlin. Anna sống ở phía Đông, trong khi con trai của chị lại sống cùng ông bà ở Bayern phía Tây. Chị thường xuyên bí mật vượt biên để thăm con, và trong các chuyến đi ấy, chị đã làm quen với anh lính gác biên giới Carl. Rồi hai người yêu nhau thắm thiết. Thế nhưng cơ hội duy nhất để họ gặp nhau là một nhà ga bỏ hoang, nơi không có người qua lại. Câu chuyện phát triển thành bi kịch, như một lời tố cáo cái đường biên giới phi tự nhiên chia cắt hai nước Đức. Bộ phim “Trời vắng sao” đã được trao nhiều giải thưởng điện ảnh của Đức và quốc tế. 


Ngày 18/1 sẽ trình chiếu bộ phim “Bầu trời chia cắt” (1964) của đạo diễn Konrad Wolf. Bộ phim được dựng theo tiểu thuyết của nữ nhà văn Christa Wolf, kể về mối tình bi kịch giữa hai người trẻ tuổi khi nước Đức chia cắt. Rita và Manfred vừa chớm yêu nhau, song các quan điểm chính trị khác nhau về hai nhà nước Đức đã khiến tình yêu của họ bị thử thách nặng nề. Khi Manfred bỏ CHDC Đức để chạy sang Tây Đức, Rita đã phải đưa ra lựa chọn của mình.

“Bầu trời chia cắt” đã bị cấm sau thời gian ngắn ra mắt tại CHDC Đức. Tuy nhiên đây là một trong những bộ phim gây ấn tượng sâu sắc nhất trong suốt lịch sử chia cắt giữa hai nhà nước Đức.

Ngày 19/1 sẽ trình chiếu bộ phim đặc sắc của thập kỷ 70 – “Huyền thoại về Paul và Paula” (1973) của đạo diễn Heiner Carow. Kịch bản phim của đạo diễn Ulrich Plenzdorf kể câu chuyện về Paul và Paula. Paul có một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và bắt đầu những cuộc ngoại tình nóng bỏng với Paula, cô hàng xóm một mình nuôi con, mà anh làm quen được từ một quán rượu đêm. Paula tràn trề hạnh phúc, tuy nhiên Paul lại luôn giữ khoảng cách với cô vì lo giữ gia đình mình và sự nghiệp. Sau khi Paula bị sảy thai đứa con chung của họ do một tai nạn thảm khốc, họ xa lánh dần nhau. Đúng lúc đó Paul nhận ra tình yêu say đắm của anh dành cho Paula và cố gắng nối lại quan hệ với cô. Họ lấy nhau và sau đó ít lâu Paula có thai. Các bác sĩ khuyên cô vì những lý do sức khỏe không nên giữ đứa bé. Tuy nhiên Paula với các cảnh báo của bác sĩ, vẫn quyết định sinh con.

Huyền thoại về Paul và Paula là một trong những bộ phim thành công nhất thời CHDC Đức và ngày nay nhận được vị thế phim thần tượng. Thậm chí ở Berlin, người ta còn lấy tên bộ phim đặt cho một đoạn đường bờ sông.

Ngày 20/1 sẽ trình chiếu bộ phim “Bầu trời Berlin” (1987) của đạo diễn Wim Wenders. Đây là một trong các bộ phim đặc sắc nhất của điện ảnh Đức thập kỷ 80.

Nội dung phim nói về hai thiên thần Damiel và Cassiel dám cãi lại Trời nên bị đày xuống đất. Họ đi lại trong thành phố Berlin và chỉ có trẻ con mới trông thấy. Họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về đời sống con người. Họ dạo chơi qua đầu người, lắng nghe suy nghĩ và mơ mộng về những cảm giác đơn giản nhất. Khi Damiel tương tư cô nghệ sĩ Marion, cậu đánh liều đi vào cuộc sống của con người và không về lại trời nữa. Bằng những hình ảnh thần thoại, nhẹ nhàng, hứng khởi cũng như ủy mị, đạo diễn Wim Wenders thể hiện một bộ phim đầy thi vị . Với phim Bầu trời Berlin, Wenders đã nhận được giải đạo diễn xuất sắc nhất trong liên hoan phim Cannes.

Ngày 21/1 sẽ trình chiếu bộ phim “Bên kia sự im lặng” (1996) của đạo diễn Caroline Link. Bộ phim được đánh giá là tác phẩm tiêu biểu nhất thập kỷ 90. Phim nói về nhân vật Lara là con gái có bố mẹ bị câm điếc vì vậy cô có thể làm chủ được ngôn ngữ cử chỉ một cách tuyệt vời. Ngay từ bé cô đã luôn ở bên bố mẹ để phiên dịch giúp. Nhưng khi gì cô Clarrissa em gái bố tặng Lara một chiếc kèn clarinet và cô bé phát hiện ra thế giới âm nhạc thì bố mẹ cô không còn hiểu gì nữa. Vì bị tật bẩm sinh, bố mẹ cô không thể tiếp cận được thế giới âm nhạc và họ tỏ ra giận giữ. Mười năm sau, Lara với khiếu âm nhạc của mình đã quyết định tới Berlin để học tại nhạc viện, và đã có một cuộc cãi vã kịch liệt với bố mẹ. Và ngay cả sau khi mẹ Lara qua đời, Lara tới thăm cha, người ta vẫn không thể biết liệu hai cha con có làm lành lại được với nhau hay không.

“Bên kia sự im lặng” là bộ phim do diễn viên đoạt giải Oscar Caroline Link thủ vai chính. Đây là một tác phẩm xuất sắc nhờ các vai diễn tinh tế và hài hước với một chủ đề khác thường.

Ngày 22/1 là bộ phim đặc sắc của điện ảnh Đức những năm 2000 – “Cuộc sống của những người khác” (2006). Phim của đạo diễn nổi tiếng Florian Henckel von Donnersmarck nói về bối cảnh nước Đức (Đông Berlin) những năm 1984. Chính quyền nghe trộm: với hệ thống nghe trộm tinh vi và lực lượng mật vụ (Stasi), nước Cộng hòa dân chủ Đức cố gắng tìm dấu vết kẻ thù của Chủ nghĩa xã hội. Ngay cả nhà văn Georg Dreyman cũng rơi vào danh sách nghi vấn của hệ thống theo dõi nhà nước. Nhân viên mật vụ Gerd Wiesler được giao nhiệm vụ theo dõi nhà tự do tư tưởng này để thu thập các chứng cứ chống lại anh ta. Tuy nhiên sự việc sớm được phơi bày, việc theo dõi bắt nguồn từ những động cơ cá nhân của một lãnh đạo nhà nước, do ông ta muốn thu thập thông tin về ngôi sao sân khấu Christa-Maria Sieland, bạn gái của nhà văn Dreymann. Càng xâm phạm sâu hơn vào cuộc sống riêng tư của hai nghệ sĩ, mật vụ Wiesler càng tự thay đổi…

Ngoài giải Oscar, bộ phim Cuộc sống của những người khác của đạo diễn Florian Henckel von Donnersmarck còn giành được nhiều giải khác trong đó có Giải phim Đức và Giải phim bang Bayern. Tại Liên hoan phim quốc tế Locarno bộ phim được trao Giải phim được khán giả yêu thích nhất, và tại Liên hoan phim của Pháp Giải Cesar cho phim nước ngoài hay nhất.

Các bộ phim đều được chiếu chiếu miễn phí với nguyên bản tiếng Đức, phụ đề tiếng Anh và thuyết minh tiếng Việt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thưởng thức các tác phẩm tiêu biểu nhất của điện ảnh Đức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.