(HNM) - Người dân vùng xứ Đoài vẫn truyền tụng câu:
Cho đến hôm nay, rất nhiều địa phương vẫn loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì, chuyển đổi cơ cấu kinh tế thế nào để nâng cao thu nhập thì một xã vùng sâu, vùng xa như Đồng Thái đã xây dựng được cánh đồng đạt giá trị cả trăm triệu đồng/ha/ vụ đông.
Trồng khoai lang chất lượng cao tại xã Đông Thái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Khoai ngon nhờ chất đất
Nghe dự báo thời tiết, bà con sợ nước ngập, nên đã sẵn sàng đủ loại máy bơm… để chống úng. Nhưng ơn trời, bão số 14 đi qua nhẹ nhàng! Để làm giàu từ những vụ khoai đông, người dân Đồng Thái đã quá thấm câu ca dao: Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng. Vụ đông này khó với nhiều huyện ngoại thành Hà Nội nhưng ở Đồng Thái, trên những chân ruộng hai vụ lúa của cánh đồng Pheo, Chu Nôm, Cù Nông… vẫn được phủ một màu xanh bạt ngàn của khoai lang. Người dân Đồng Thái có truyền thống trồng giống khoai bản địa, thứ khoai thơm ngon và từng là sản vật tiến vua một thủa. Hiện nay, thứ cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với cây lúa, nhờ vậy mà nhiều hộ dân có cuộc sống sung túc.
Nói về cây khoai lang Đồng Thái, ông Nguyễn Minh Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thái cho biết: Đồng Thái là vùng có truyền thống trồng khoai lang. Với độ bở vừa phải, bùi của tinh bột, ngọt của chất đường, hương vị thơm ngon hiếm thấy, khoai lang Đồng Thái từng là sản vật tiến vua. Khoai lang Đồng Thái ngon là bởi chất đất. Ở Đồng Thái có những chân ruộng cao, đất cát pha rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của khoai lang. Người Đồng Thái trồng nhiều giống khoai, tuy nhiên khoai Hoàng Long là loại cho sản lượng cao và ngon nhất. Càng để lâu, khoai càng có vị ngọt và kể từ khi dỡ, khoai lang có thể bảo quản được trong 6 tháng.
Một vụ khoai bằng 3 vụ lúa
Ở Đồng Thái, thôn Tri Lai có nhiều hộ trồng khoai lang nhất, có tới 70ha trong tổng số 230ha của cả xã. Những năm gần đây, khoai lang Đồng Thái luôn đạt năng suất từ 7,5 đến 8 tạ/sào, với giá từ 10 đến 12 nghìn đồng/kg, mỗi sào thu về được 7 triệu đồng, trừ hết chi phí, nông dân có lãi không dưới 5 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì một vụ khoai giá trị bằng 3 vụ lúa. Gia đình ông Lượng có 4 sào trồng khoai lang. Dù cả làng trồng thứ cây này nhưng không bao giờ lo ế, thậm chí có những thời điểm không có khoai mà bán. "Đến ngày thu hoạch, hộ nào muốn dỡ về nhà cũng được, nếu không bán mớ cả ruộng thương lái cũng sẵn sàng mua rồi thuê người dỡ. Để đánh giá năng suất, họ sẽ đào thử một vài khóm và tính ra sản lượng cả ruộng để trả giá cho vừa" - ông Lượng cười. Tại thôn Tri Lai, còn có 10 hộ chuyên thu mua khoai của người dân cung cấp ra thị trường thành phố.
Nhiều năm lăn lộn với phong trào nông nghiệp tại địa phương, từng là Chủ nhiệm HTX NN Tri Lai rồi đến HTX Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái, ông Phùng Quốc Lượng, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: Ngày nay, khoai lang đã trở thành một thứ quà bình dân được người thành thị ưa chuộng nên bán được giá cao. Cứ một kilôgam khoai lang đặc sản Đồng Thái bán được 10.000-12.000 đồng, trong khi giá lúa Khang dân chỉ 6.000-7.000 đồng/kg đủ thấy lợi nhuận vượt trội của loại cây trồng này. Người dân Đồng Thái trồng khoai chủ yếu vào vụ đông và vụ xuân. Ngày này, những ruộng khoai trồng sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhìn khuôn mặt người trồng khoai ánh lên niềm vui càng thấm thía hơn câu nói của ông Lượng: "Ở đâu có đất màu thì ở đấy có cây khoai lang. Bao giờ cây khoai lang còn kín trên các cánh đồng thì khi ấy người dân nơi đây còn no ấm".
Xã Đồng Thái chủ trương khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích xây dựng mô hình trồng khoai lang tập trung theo hướng hàng hóa. Không chỉ cho củ, giống khoai này còn cho ngọn rau. Người trồng khoai đã tận dụng hái bán ngọn cũng cho thu nhập thêm mỗi ngày vài chục đến cả trăm nghìn đồng.
Tuy vậy, mùa trồng khoai chỉ tập trung trong hai vụ đông và vụ xuân nên không phải lúc nào cũng có khoai để bán. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người đưa khoai nơi khác về "gắn mác" bán ngay trên đất Đồng Thái để đánh lừa người tiêu dùng. "Khoảng hai năm gần đây, trên tuyến quốc lộ 32 chạy qua xã Đồng Thái xuất hiện hàng chục cửa hàng bán khoai. Tuy nhiên, đó không phải là thứ khoai lang chính hiệu. Việc này đã ảnh hưởng nhất định đến "thương hiệu" khoai lang của địa phương và rất khó xử lý. Mặc dù thương hiệu khoai lang Đồng Thái đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và đã được UBND TP Hà Nội giao cho HTX Dịch vụ kinh doanh Đồng Thái thống nhất quản lý nhưng để gắn nhãn mác sản phẩm khoai lang Đồng Thái hiện vẫn còn hết sức khó khăn. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu "Khoai lang Đồng Thái" và đã hoàn thiện khâu thiết kế nhãn hiệu tập thể và túi lưới, sẵn sàng mở rộng quảng bá thương hiệu. Để bảo đảm sản phẩm khoai Đồng Thái có đủ nguồn cung cho thị trường, hướng đi của địa phương là tăng cường trồng trong vụ xuân và liên kết với các xã lân cận để mở rộng diện tích". Chủ nhiệm HTX Phùng Quốc Lượng nói: Hành trình xây dựng thương hiệu khoai lang Đồng Thái đã có những vị ngọt đầu tiên, nhưng để thương hiệu thành danh, thành lợi đối với địa phương và bà con nông dân vẫn còn là một hành trình dài. Mong muốn của HTX là có trụ sở, tiến tới xây dựng được kho chứa khoai ở tất cả các thôn, để khi thu hoạch về, HTX đứng ra thu mua, gắn nhãn mác bảo hành chất lượng sản phẩm. Tiến tới, đặc sản khoai lang Đồng Thái còn xuất ngoại, mang về giá trị cao hơn. Không phải 100 triệu đồng/ha/vụ đông mà nhiều hơn thế để nông dân làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.