Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương hiệu Golden Palace bị “đụng hàng”

L.H| 23/04/2013 12:26

(HNMO) - Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh – chủ đầu tư dự án Golden Palace tại K1 – Mễ Trì – Hà Nội vừa lên tiếng về việc thương hiệu “Golden Palace” bị “đụng hàng”.


Nhãn hiệu Golden Palace đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169540 ngày 11-08-2011. Công ty Cổ phần đầu tư Mai Linh được quyền sở hữu chính thức đối với nhãn hiệu trên và được bảo hộ đến hết ngày 11-8-2021 (có thể gia hạn).

Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh đã và đang sử dụng nhãn hiệu trên cho dự án Tổ hợp Văn phòng – TTTM – Căn hộ cao cấp tại K1 – Mễ Trì – Hà Nội. Hiện tại dự án đã hoàn thiện 4 tầng hầm quy mô lớn và đang triển khai thi công phần thân. Golden Palace dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao vào quý IV năm 2014.

Phối cảnh Golden Place tại Mễ Trì, Hà Nội



Tuy nhiên, qua tìm hiểu và nghiên cứu thông tin thị trường, Công ty Mai Linh được biết Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 cũng đang sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho dự án xây dựng tại số 121 – 123 Tô Hiệu – Hà Đông, thể hiện trên bức tường gắn logo Golden Palace trước tòa nhà, trên website www.hud3.com.vn và các ấn phẩm in ấn quảng cáo của HUD3.

Để bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình, Công ty Mai Linh đã thuê Văn phòng Luật sư Gia Phạm tư vấn và làm các thủ tục giám định. Kết quả giám định qua Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ cho thấy các hoạt động của HUD3 đã xâm phạm quyền được bảo hộ nhãn hiệu “Golden Palace” của Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh.

Văn phòng Luật sư Gia Phạm đã được ủy quyền gửi yêu cầu đến Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng HUD3 phải ngay lập tức chấm dứt việc sử dụng trái phép nhãn hiệu “Golden Palace”, tháo gỡ và thu hồi tất cả các dấu hiệu “Golden Palace” trên các sản phẩm và ấn phẩm in ấn quảng cáo của HUD3.

Tiếp đó, ngày 10-4-2013, HUD3 đã chính thức xác nhận bằng văn bản hành vi vi phạm của mình và cam kết sẽ khắc phục, không tiếp tục sử dụng nhãn hiệu Golden Palace cho tên gọi của dự án xây dựng tại 121 – 123 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội.

Quy định pháp luật về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Điều 9 – Luật Sở hữu trí tuệ. Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Tổ chức, cá nhân có quyền áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình và có trách nhiệm tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 199 – Luật Sở hữu trí tuệ. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự.

2. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu Golden Palace bị “đụng hàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.