(HNM) - Ở tuổi 67, sau những năm tháng ở chiến trường, ông Trần Đình Lương, người lính, người thầy thuốc năm xưa lại trở về quê hương, đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ). Ông Lương đang nỗ lực chắp cánh cho giấc mơ làm giàu chính đáng của hàng trăm người dân quê hương Hát Môn.
Ông Trần Đình Lương tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2011-2015. |
Suốt đời học tập và làm theo Bác
Chúng tôi gặp ông Trần Đình Lương tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2011-2015. Với dáng vẻ nhanh nhẹn, và đặc biệt là những chia sẻ hết sức cụ thể về những đóng góp của mình cho sự phát triển của Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn trong những năm qua, ông đã khiến các đại biểu tham dự hội nghị hết sức xúc động.
Năm 1968, khi vừa tròn 19 tuổi, người thanh niên Trần Đình Lương xa nhà đi chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Những ngày chống Mỹ ác liệt, ông Lương cùng đồng đội anh dũng chiến đấu, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Đúng một năm sau, ngày 3-9-1969, đơn vị ông được Thiếu tướng Hoàng Sâm báo tin dữ, Bác Hồ đã ra đi. Trong giờ phút đau thương ấy, ông dặn lòng "tiếc thương Bác là phải hành động, dù ở đâu, làm gì vẫn luôn nhớ lời Bác dạy, suốt đời học và làm theo Bác".
Sau hơn 7 năm tham gia quân ngũ với hàm Thượng sĩ Quân y, tháng 4-1974, ông Trần Đình Lương xuất ngũ về địa phương. Ông công tác tại Trạm y tế xã Hát Môn cho đến năm 1994. Một năm sau, ông được bầu vào HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn với vai trò Giám đốc điều hành cho đến 2006. Từ năm 2007, ông là Chủ tịch HĐQT. Đảm nhiệm vai trò này, ông Lương vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được bà con, cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, lo vì chưa từng được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kiến thức về kinh tế, tín dụng. Ông Lương chia sẻ: "Thấy bà con nhân dân Hát Môn khó khăn trong tìm nguồn vốn phát triển kinh tế, nhiều người cho vay nặng lãi lợi dụng bà con để thu lợi bất chính, tôi thương lắm. Tôi nghĩ mình phải bằng mọi giá, cố gắng học tập, tự nâng cao kiến thức để đảm nhiệm thật tốt vị trí được giao".
"Nói đi đôi với làm", ông Lương mua, mượn sách vở, tài liệu, ngày đêm chong đèn học tập như sĩ tử. Cái gì chưa hiểu thấu, ông lại nhờ bạn bè, đồng nghiệp đi trước giảng giải giúp. Mặc dù hết mình học tập, nhưng buổi đầu đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn, ông vẫn gặp không ít khó khăn. "Những năm đầu thành lập, Quỹ hoạt động thiếu thốn, nguồn vốn ban đầu rất nhỏ, người dân chưa tin tưởng loại hình tín dụng này. Quản lý tín dụng nhân dân vô cùng khó, nhạy cảm, nhất là trong bối cảnh nhiều quỹ tín dụng đổ vỡ, gây mất niềm tin trong nhân dân", ông Lương nhớ lại.
Không chỉ tự mình học tập, nâng cao kiến thức, ông Lương cũng là người "thuyền trưởng" luôn nỗ lực xây dựng đoàn kết nội bộ. Ông đã làm việc tận tụy, không quản ngày đêm, sát cánh cùng những người đồng nghiệp kiểm tra, đôn đốc, gương mẫu về mọi mặt. Ông luôn nêu cao tấm gương về sự trung thực, liêm chính, gần gũi và không gây phiền hà cho nhân dân, kiểm tra, thẩm định kỹ càng trước khi cho vay vốn. Ông cũng tìm ra các mô hình, cách thức quản lý mới, phù hợp với nhân dân, phục vụ nhân dân tốt nhất, nhiều nhất và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực...
Làm tốt chức trách, làm tròn bổn phận
Về Hát Môn hôm nay, một diện mạo mới khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Theo Bí thư chi bộ Trần Đình Lương, Hát Môn đã có tới 40% hộ giàu, hộ nghèo và cận nghèo chỉ còn 1,9%. Thu nhập bình quân đầu người lên đến 35 triệu đồng/người/năm. Quê hương Hát Môn đã thật sự thay đổi, hiện đại và khang trang nhưng vẫn chứa đựng những giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp từ bao đời.
Góp một phần nhỏ vào những thành quả ấy là nỗ lực không mệt mỏi của tập thể Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn, trong đó có ông Lương. Hiện nay, Quỹ quản lý nguồn vốn lên đến gần 100 tỷ đồng, vốn lưu động tại chỗ là 90 tỷ đồng, cho vay vốn 531 lượt thành viên với tổng dư nợ là 53 tỷ đồng, giúp nhân dân vay vốn sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Trong đó, vay lãi suất ưu đãi phát triển nông nghiệp nông thôn là 25 tỷ đồng, cho vay kinh doanh dịch vụ là 28 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng nghìn lao động tại đây đã có công ăn, việc làm.
Không chỉ giúp nhân dân trong xã, Quỹ còn đồng hành cùng bà con xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ vay vốn chăn nuôi 4.000 con trâu bò, hàng vạn con lợn, cung cấp thực phẩm ra thị trường, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.
Đáng trân quý, những năm qua, Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện. Đơn vị này đã nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Kim Thị Dần, 81 tuổi, thuộc Cụm 6, xã Hát Môn. 5 năm qua, Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn được cấp trên tặng thưởng 4 Bằng khen, 2 giấy chứng nhận HTX tín dụng điển hình tiên tiến năm 2013, 2014 và nhiều giấy khen của các cấp, các ngành. Cá nhân ông Trần Đình Lương cũng được nhận 2 Bằng khen của UBND TP Hà Nội và Liên minh HTX Việt Nam, được Hội Cựu chiến binh huyện Phúc Thọ tôn vinh danh hiệu "Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi" năm 2014, 2015.
Trong một lần về thăm Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn, ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ bày tỏ: "Bí quyết thành công của Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn có phải do đoàn kết nội bộ, quản trị khoa học, người đứng đầu gương mẫu, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tận tụy, trung thực, trách nhiệm và liêm chính?". Bí thư Huyện ủy đã đề nghị nhân rộng mô hình Quỹ tín dụng nhân dân Hát Môn ra toàn huyện. Còn với ông Lương, sau khi vui mừng chia sẻ về cuộc sống khấm khá của bà con Hát Môn thì giản dị nói: "Điều chúng tôi tâm niệm và phấn đấu là sự bằng lòng của chính người dân, sự no ấm, giàu có của từng gia đình vay vốn, gửi tiền ở Quỹ. Quỹ chúng tôi rất nhỏ so với các ngân hàng, đóng góp của chúng tôi cũng còn khiêm tốn, nhưng tôi luôn dặn lòng, dù ở vị trí nào cũng phải làm tốt chức trách, làm tròn bổn phận".
Chính tinh thần đó đã giúp cho ông Lương vượt qua được những khó khăn, giữ được lòng tin với mọi người trong suốt quá trình công tác của mình.
Đất nước có ngoại xâm, như bao người con yêu nước khác, ông Lương đã cầm súng lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương. Hòa bình lập lại, ông lại trở thành một người thầy thuốc của nhân dân. Ông không chỉ chữa bệnh đơn thuần mà còn chữa được cái nghèo, cái túng khó cho bà con. Đó là bằng khen quý giá bên cạnh sự ghi nhận của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.