Trẻ nhỏ do cơ thể chưa phát triển đầy đủ, chức năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn thiện, chưa đủ sức thích nghi với thời tiết nóng bức trong mùa hè nên trẻ rất dễ bị sốt, cảm mạo, ho hen, bị rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy và các bệnh truyền nhiễm khác.
Củ sắn dây. |
Mùa hè thời tiết thường nắng nóng là nguyên nhân dẫn đến những bệnh thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trẻ nhỏ do cơ thể chưa phát triển đầy đủ, chức năng điều tiết thân nhiệt chưa hoàn thiện, chưa đủ sức thích nghi với thời tiết nóng bức trong mùa hè nên trẻ rất dễ bị sốt, cảm mạo, ho hen, bị rối loạn tiêu hóa, ỉa chảy và các bệnh truyền nhiễm khác. Để phòng chống các bệnh ở trẻ em trong mùa hè, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh cho tre em bằng y học cổ truyền.
Cảm mạo
Trẻ em cơ thể còn yếu, mỗi khi thời tiết thay đổi dễ bị cảm, ho, da khô, không có mồ hôi,ngủ hay giật mình.
Cách chữa: Tử tô 8g, gừng tươi 1 lát, vỏ quýt 4g, cam thảo 2 g, củ gấu tươi 6g sắc uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa con.
Hoặc nước trúc lịch 3-4 chén con, nước củ sắn dây 3-4 chén con, gừng tươi 3 lát, sắc nóng, mỗi lần 1 thìa con.
Nếu thấy trẻ có triệu chứng sốt, không sợ lạnh, ngạt mũi, ho, nhức đầu, có mồ hôi, miệng khô, thì điều trị theo bài thuốc sau:
Kim ngân 6g, rễ cây lau 8g, bạc hà 5 ngọn, kinh giới 4 ngọn, lá tre ngà 8g, cam thảo 2g, cúc hoa 6g, đậu xỵ 9g.
Các vị trên sắc uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa con.
Ho nóng
Trẻ bị ho từng cơn dài, mình nóng, khát nước, chân tay lạnh, không có mồ hôi.
Cách chữa: Vỏ quýt 10g (sao nước tiểu) củ sắn dây 10g, hoa tử tô 10g, bách bộ 10g.
Cách dùng: Tất cả các vị thuốc trên cho vào nồi đổ ngập nước, sắc lấy từ 80ml đến 100ml cho trẻ uống từ từ, uống từ 2-3 thang trẻ sẽ khỏi.
- Ho đối với trẻ ít tháng: Lấy 3-4 hạt mướp đắng mài với sữa mẹ, cho trẻ uống ngày vài ba lần.
- Ho đối với trẻ nhiều tháng: Ho có đờm vướng ở cổ, ho từng hồi, ho có nôn ọe ra nước dãi nhớt.
Cách chữa: Vỏ rễ dâu 1 nắm (cạo vỏ ngoài sao vàng) rễ chanh 1 nắm (thái nhỏ sao vàng), vỏ quýt 2 vỏ (sao vàng), lá cây cà gai leo 5-8g (sao vàng). Sắc các vị thuốc trên với 500ml nước, sắc kỹ còn lại 150ml, cho thêm 30g đường rồi đun sôi cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê.
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Rối loạn tiêu hóa kéo dài, tây y gọi là loạn khuẩn, đông y gọi là tì vị hư.
Triệu chứng: Trẻ bị ỉa lỏng kéo dài, ban đầu do viêm ruột, hay bị đi lỵ, đã dùng nhiều đợt kháng sinh không khỏi, thậm chí dẫn đến suy dinh dưỡng.
Cách chữa: Hoàng cầm 8g, ý dĩ 12g, sơn tra 6g, tô mộc 6g, mạch nha 12g, nam mộc hương 10g.
Sắc cho trẻ uống ngày 2-3 lần, uống từ 5-7 thang (2 ngày 1 thang).
Hoặc gạo tẻ 30g (nướng cháy hoặc sao vàng) cùng gừng tươi nướng cháy. Hai vị trên sắc rồi cho trẻ uống ngày 4-5 lần trong ngày.
Nôn trớ ở trẻ em
Trẻ bị nôn trớ do ăn uống hoặc do thời tiết hoặc các nguyên nhân khác. Trẻ bị nôn trớ sắc mặt xanh, tiểu khó, ngón chân tay hơi nóng.
Tinh tre (vỏ xanh cây tre) 10g, tổ tò vò nướng đỏ để nguội 1 tổ, gừng tươi 2 lát. Các thứ trên sắc với 300ml nước còn 100ml cho trẻ uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 1-2 thìa con.
Hoặc hoàng liên (tẩm gừng sao khô) 8g, bán hạ (giã nát tẩm nước gừng nướng khô) 6g, trần bì 4g, thổ phục linh 10g, cam thảo 4g, hoắc hương 12g, sa nhân 10g. Các vị trên sắc cùng 500ml nước, sắc còn 150ml cho trẻ uống mỗi lần 1 thìa cà phê, cho uống nhiều lần trong ngày.
Bài thuốc: Cám gạo tẻ 30g, gừng tươi 3 lát, hương nhu 20g, hẹ tươi 50g, cỏ hắc hương 20g. Các thứ trên sắc kỹ cho trẻ uống mỗi lần 1 thìa con, ngày uống 2-3 lần.
Nếu thấy trẻ nôn trớ, sắc mặt xanh nhợt, đi ỉa ra phân xanh, miệng nhiều nước dãi, đầu ngón chân, ngón tay lạnh.
Cách chữa: Gừng tươi 30g nướng cháy xém vỏ ngoài, giã nát cho vào giữa lòng mía, rồi nướng mía trên lửa 20-30 phút, sau vắt lấy nước cho uống.
Hoặc đinh hương 1 nụ hấp vào nồi cơm sắp cạn, lấy ra mài với nước chín cho uống cũng có hiệu quả.
Bài thuốc: Thương truật 10g, trần bì 4g, cam thảo 2g, mạch nha (rang nổ) 4g, sa nhân (nghiền nát) 4g, gừng tươi giã nát 25g ngâm với nước sôi 15 phút, gạn lấy nước cho vào các vị thuốc trên sắc cho trẻ uống ngày 3 lần, mỗi lần một thìa con.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.