(HNM) - Nằm ẩn mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại, trải qua hàng trăm năm, làng người Dao Ba Vì vẫn giữ được những nét hoang sơ, trầm mặc.
Gắn bó gần như cả cuộc đời với thuốc Nam, bà Triệu Thị Thanh không nhớ đã chữa khỏi bệnh cho bao nhiêu người. Sinh ra ở nơi mà việc làm thuốc cứu người đã trở thành lẽ sống, bà Thanh rất tự hào về nét văn hóa nhân văn của dân tộc mình. Ở bản Dao Hợp Sơn (xã Ba Vì), bà Thanh từ lâu đã là "người mẹ", "người bà", "người thầy thuốc" đáng kính trọng. Ngay từ lúc còn nhỏ, bà Thanh đã theo bà, theo mẹ đi hái thuốc. Khi lớn lên, xây dựng gia đình, với những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy, bà Thanh bốc thuốc, chữa bệnh không lấy tiền ở trong bản, trong xã và các địa phương lân cận, được người dân quý mến, nể trọng. Bây giờ, bà đã trở thành lương y có tiếng ở bản Dao, am hiểu tường tận về từng loài cây, vị thuốc. Người Dao làm thuốc trước hết để chữa bệnh cho dân tộc mình, sau là cho mọi người. Từ xa xưa, người Dao Ba Vì đã có phong tục rất đẹp là cứu người không lấy tiền, ai khỏi bệnh thì đến nhà tạ ơn tổ tiên. Bản thân bà Thanh đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân và khi khỏi bệnh, bệnh nhân đến tận nhà cảm ơn bằng nông sản giản dị như con gà, cân gạo nếp, chai rượu…
Người Dao Ba Vì thu hái thuốc Nam. Ảnh: Quốc Ân |
Bà Thanh kể: "Xưa, người Dao đến đất này "an cư lập nghiệp" phải ở tít trên núi cao, dựa vào rừng để kiếm sống. Khi lâm bệnh, người Dao phải tìm cây rừng chạy chữa. Bằng kinh nghiệm đời này qua đời khác, người Dao đã biết bốc thuốc chữa được rất nhiều bệnh như phong, thấp khớp, sỏi thận, đái buốt, đái rắt, đái tháo đường, ho hen, ho lao, ho ra máu, trĩ nội, trĩ ngoại, hậu sản, dạ dày, viêm phổi…".
Phần lớn người làm nghề thuốc Nam ở bản người Dao Ba Vì là phụ nữ. Bà Triệu Thị Bảy ở thôn Hợp Nhất, năm nay bước sang tuổi 66 có trên 40 năm làm thầy thuốc, nói rằng: "Cách truyền nghề của người Dao là trực quan. Người mới vào nghề phải theo chân các bậc tiền bối lên núi kiếm thuốc. Khi nhận biết được cây thuốc thì mới được dạy xem bệnh và bốc thuốc". Theo bà Bảy, nghề thuốc Nam bây giờ cũng có nhiều cơ cực khi mà nguồn cây thuốc trên rừng đã cạn kiệt. Hơn nữa, rừng quốc gia Ba Vì đã trở thành rừng cấm khai thác nên người dân không được tùy tiện lên núi hái thuốc. Luôn đau đáu và không muốn nghề thất truyền, những lương y như bà Triệu Thị Thanh, Triệu Thị Bảy cùng nhiều người Dao khác đã sưu tầm cây thuốc Nam về trồng. Theo trí nhớ của những thầy lang người Dao, vùng núi Ba Vì có hơn 300 cây thuốc, trong đó có những loài rất quý hiếm như cây hoa tiên, dây cây móng người vì chúng có tác dụng hồi sức nhanh. Bà Triệu Thị Bảy cho biết, đã trồng thuốc Nam 20 năm với khoảng 160 loài cây thuốc. Đặc biệt, bà Bảy đã trồng được những loài cây thuốc hiếm, phải trên 10 năm mới được sử dụng như củ dòm, cây bổ máu huyết rồng, cây dào xị, cây đìa sản, đìa ùi, xạ đen, kim ngân…
Xã Ba Vì hiện có hơn 2.000 nhân khẩu, trong đó 98% là người Dao. Chủ tịch UBND xã Ba Vì Dương Trung Liên từ lâu đã rất trăn trở về thiếu đất sản xuất và cơ sở hạ tầng yếu kém. Mặc dù xã có diện tích tự nhiên vào loại lớn nhất thành phố Hà Nội (2.540ha) nhưng diện tích được sử dụng chỉ là 340ha, còn lại do Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý. Điều đáng nói, đất trồng lúa hiện chỉ có khoảng 20ha, còn lại là đất đồi rừng trồng sắn, dong riềng. "Vì lẽ này mà đến bây giờ, khi nhiều nơi miền xuôi đã xóa nghèo, xây dựng thành công nông thôn mới thì xã người Dao Ba Vì vẫn còn tới hơn 40% là hộ nghèo (223/457 hộ)"- ông Liên bùi ngùi nói. Trong hoàn cảnh khó khăn, người Dao đã biết dựa vào vốn liếng quý báu của dân tộc là cây thuốc Nam để tạo dựng cuộc sống. Hầu hết các gia đình người Dao Ba Vì đều làm thuốc, nhưng thu nhập rất bấp bênh vì đầu ra chưa ổn định. Theo Chủ tịch xã Dương Trung Liên, để nghề làm thuốc Nam phát triển, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ xây dựng vườn ươm giống và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.