(HNM) - Liên tục trong những tháng đầu năm nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã
Di chứng khó lường khi sử dụng thuốc giả
Ngay trong tháng 1-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện 57.000 viên thuốc tân dược không rõ nguồn gốc được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Mới đây, trong tháng 3, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định rút các thuốc chứa hoạt chất Gatifloxacin ra khỏi danh mục thuốc được cấp số đăng ký tại Việt Nam, bởi đây là chất thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. Trước đó, qua mẫu kiểm nghiệm hai loại thuốc chỉ định điều trị các bệnh lý loét dạ dày, tá tràng, trào ngược thực quản là Pantopep-Dol (Pantoprazol 40mg do Công ty Zim Laboratories Ltd., India sản xuất) và thuốc Pantocid (Pantoprazole tablets 40mg do Công ty Sun Pharmaceuticals Ind. Ltd., India sản xuất) cho thấy không đạt chỉ tiêu chất lượng nên đã bị đình chỉ lưu hành trên toàn quốc. Cục Quản lý dược cũng có văn bản yêu cầu đình chỉ và thu hồi 38 loại thuốc chứa Lysozym với lý do hoạt chất này không có lợi ích trong điều trị cao hơn so với nguy cơ do thuốc gây ra.
Nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội không nhận được thông tin về các loại thuốc bị thu hồi. Ảnh: Linh Ngọc |
Thống kê từ Cục Quản lý dược cũng cho thấy, hàng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước đã lấy 30.000 - 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý bằng hình thức thu hồi, đình chỉ lưu hành nhiều loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam hiện dao động ở mức 3% và thuốc giả khoảng 0,1%. Trong 2 năm qua, đã có khoảng 110 lô thuốc bị đình chỉ lưu hành hoặc buộc phải tái xuất do không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Từ đầu năm 2015 đến nay, Cục cũng đã ra quyết định xử phạt 9 doanh nghiệp dược có thuốc kém chất lượng bằng hình thức không cấp giấy phép đăng ký thuốc mới trong vòng một năm.
Theo các chuyên gia y tế, sử dụng thuốc kém chất lượng, thuốc giả khiến cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị. Thuốc nào cũng có thể gây ra những phản ứng có hại (thường gọi là ADR). Tuy nhiên, nếu tác dụng có hại của thuốc thật với tỷ lệ nằm trong khoảng 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ của thuốc giả lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc và dị ứng thuốc. Bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng đưa khuyến cáo, người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi sử dụng thuốc quá hạn sử dụng, thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Bởi chúng không chỉ tác hại lớn đến sức khỏe như: Phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, dễ kháng thuốc… mà còn gây vô hiệu hóa các giải pháp điều trị, khiến người bệnh dễ tử vong. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm, trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do thuốc giả, kém chất lượng. Mặc dù WHO đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ thuốc giả còn thấp, nhưng do thói quen mua, bán thuốc không có hóa đơn, thậm chí không cần đơn thuốc của bác sĩ, nước ta lại là nơi thuận lợi cho thuốc giả tung hoành.
Không để thuốc giả đến tay người bệnh
Thuốc là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn và hiệu quả điều trị bệnh, thuốc cũng có thành phần phức tạp, mức độ ổn định không cao. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, sử dụng thuốc là việc làm cần thiết của cả cơ sở sản xuất, kinh doanh và của hệ thống các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc. Tuy nhiên, dư luận luôn lo ngại về việc quản lý, kiểm soát chất lượng thuốc hiện nay. Bởi trên thực tế, có những doanh nghiệp sau khi bị cơ quan chức năng "tuýt còi" vẫn tái phạm.
Về vấn đề này, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược thẳng thắn cho rằng, trên thị trường hiện vẫn lưu hành một lượng nhỏ thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Cục sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc, ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời xử phạt nghiêm những doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng. Thực hiện biện pháp mạnh, thời gian qua, Cục yêu cầu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu từ các doanh nghiệp nằm trong danh sách đã từng bị phát hiện có thuốc vi phạm chất lượng. Đây cũng là biện pháp tiền kiểm tốt nhất trong giai đoạn hiện nay nhằm loại bỏ sản phẩm kém chất lượng trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc cũng phải chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường, trong đó lưu ý kiểm tra nội dung nhãn thuốc, các chỉ tiêu chất lượng trong phiếu kiểm nghiệm của nhà sản xuất so với mẫu nhãn thuốc và tiêu chuẩn chất lượng đã được duyệt trong hồ sơ đăng ký thuốc.
Cũng theo ông Trương Quốc Cường, khi phát hiện công ty nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng thì Cục ra quyết định thu hồi toàn bộ và tiêu hủy lô sản phẩm, không để thuốc kém chất lượng đến tay người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp có thuốc vi phạm chất lượng, ngoài việc kiểm tra toàn bộ 100% các lô hàng nhập khẩu còn bị phạt bổ sung là tạm dừng xem xét hồ sơ nhập khẩu thuốc, tạm "treo" giấy phép nhập khẩu, phân phối thuốc. Trong thời gian qua, những công ty có thuốc vi phạm lần thứ hai cũng đã bị cơ quan chức năng dừng xem xét hồ sơ thuốc nhập khẩu trong vòng một năm.
Với những giải pháp bước đầu nêu trên, người bệnh luôn mong rằng, việc rà soát chất lượng thuốc sẽ được thực hiện liên tục, đối với các doanh nghiệp vi phạm cần xử lý nghiêm minh, xử phạt nặng, có như vậy mới góp phần giảm tỷ lệ thuốc không đạt chất lượng trong quá trình lưu thông trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.