Làm việc nơi kênh mương ô nhiễm, nhiều rác thải hay phải dầm mưa, dãi nắng, lao động nặng nhọc, nữ công nhân làm nhiệm vụ thoát nước hay trồng, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn phải mang trên mình những bộ quần áo bảo hộ lao động, mặt bịt kín bởi vài lớp khẩu trang.
Thế nhưng, sau những lớp bảo hộ thô cứng ấy, họ là những người phụ nữ đẹp, tràn đầy tự tin và vui tươi khi kể về công việc đang làm, với tất cả tình yêu và trách nhiệm.
Tấm gương không quản mưa nắng
Nhớ lại ngày bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội (ngày 7-9-2024) gây gió to, mưa lớn. Từ 4h sáng hôm ấy, chị Hoàng Thị Lương mặc bộ áo mưa vàng sẫm quen thuộc, bọc bên ngoài thêm lớp áo mưa nữa trước khi ra khỏi nhà. Chị hoàn toàn quên hôm đó là sinh nhật tuổi 52 của mình cho đến khi điện thoại hiện lên nhiều tin nhắn chúc mừng.
Công việc ứng trực thoát nước trên tuyến đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) và một phần phố Dương Văn Bé (quận Hai Bà Trưng) của người nữ công nhân đã 32 năm gắn bó với Xí nghiệp Thoát nước số 3 (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) có lẽ chẳng có gì đặc biệt. Bởi với họ, việc ra ngoài khi mưa lớn, thu dọn chướng ngại vật có thể gây cản trở dòng chảy, bật nắp các hố ga giúp nước thoát nhanh đã là công việc quen thuộc. Nhưng trong bão số 3, mưa lớn kèm dông lốc quần thảo, cây gãy cành rơi… đã thực sự thử sức người phụ nữ vóc dáng bé nhỏ, ở tuổi trung niên này. Vậy mà, dù cho gió lớn xô ngã người, đổ xe, chị vẫn kiên cường đi qua những tuyến phố ngập nước hoặc vướng đầy cành cây đổ để đến nơi làm việc.
Ngày mưa ứng trực thoát nước, còn ngày nắng, chị Lương thu nhặt rác thải trên kênh và ven các tuyến kênh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và một phần địa bàn quận Hoàng Mai. “Rác thải ven kênh ít khi nào vơi. Cứ hôm nay dọn sạch, mai rác mới lại xuất hiện. Không những thế, không ít lần chúng tôi còn bị hất thẳng nước thải, chất bẩn từ trên tầng cao xuống khi đang làm việc”, chị Lương kể về công việc với những chuyện không mấy vui và rất nhọc nhằn.
Nhìn vào sự nhiệt tình, năng động và trách nhiệm của chị Lương trong vai trò Tổ trưởng, quản lý 9 tổ viên trong Tổ sản xuất duy trì 10 của Xí nghiệp Thoát nước số 3, mọi người càng cảm phục khi biết chị mang trong mình trọng bệnh. Căn bệnh dị dạng mạch máu khiến chị dễ gặp nguy cơ biến chứng vỡ mạch máu não. Dù đã may mắn tìm được thầy giỏi, thuốc hay, nhưng căn bệnh vẫn treo lơ lửng, không biết khi nào trở lại; thế nhưng, chị vẫn sống lạc quan, vui vẻ, hoàn thành công việc. Tháng 10-2026, chị tới tuổi nghỉ hưu, nhưng còn ngày nào làm việc, chị vẫn hăng say, gắn bó, hệt như những ngày đầu nhận công tác.
Bởi với chị Lương, công việc còn là nghĩa, là tình. Năm 2013, khi bệnh của chị tái phát, tưởng không qua khỏi, lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội tới thăm, thấy hoàn cảnh của chị có nhiều khó khăn, chồng chị khi ấy công việc chưa ổn định nên đã tạo điều kiện nhận anh vào làm tại Xí nghiệp Thoát nước số 7. Hai vợ chồng trở thành đồng nghiệp, luôn cảm thông, đồng hành cùng nhau. Anh vẫn tranh thủ những ngày làm ca tối để đưa đón con, làm việc nhà hỗ trợ vợ. Con gái lớn sinh năm 2001 học giỏi, biết thương bố mẹ làm việc vất vả, nặng nhọc, đã quán xuyến nhà cửa, trông em từ khi còn nhỏ.
Cũng là công nhân tại Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, nhưng công việc của chị Đào Thị Kiều Oanh, công nhân vận hành Trạm bơm hồ Trung Tự (quận Đống Đa) thuộc Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ lại có đặc thù khác chị Lương. Duy chỉ có sự vất vả nặng nhọc và dầm mình trong những cơn mưa là giống nhau. Trong mưa, chị Oanh sẽ khẩn trương có mặt tại hồ để mở các cửa phai dẫn nước, tránh gây ngập úng trên các tuyến phố, sau đó vận hành bơm để đưa nước rút về Trạm bơm Yên Sở. Ngoài ra, còn bảo đảm việc vận hành máy sục khí, cung cấp ôxy cho nước hồ.
“Là phụ nữ, ai cũng thích công việc nhẹ nhàng; khi gió bão được trú ẩn nơi an toàn, ấm áp trong gia đình. Công việc của chúng tôi thì ngược lại. Để vượt qua được những áp lực, vất vả như thế, tôi luôn được gia đình động viên”, chị Oanh chia sẻ. Tại Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, chị Oanh là tấm gương sống chan hòa, đoàn kết, tích cực trong lao động sản xuất, năng động tham gia các phong trào, được đồng nghiệp quý mến.
Mồ hôi sau luống hoa
Được mệnh danh là người phụ nữ có đôi bàn tay “vàng” tại Xí nghiệp Quản lý công viên cây xanh số 1 (Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội), chị Nguyễn Thị Kim Cầu luôn lấy tấm gương của mẹ mình để vượt qua mọi gian khó.
Chị Cầu cùng mẹ là 2 thế hệ trong gia đình đã gắn bó với Xí nghiệp Quản lý công viên cây xanh số 1 với quãng thời gian gần tương đương. Nếu như mẹ chị có 25 năm làm tại đây thì đến năm 2025 này, chị Cầu cũng bước sang năm thứ 27 gắn bó với nghiệp chăm sóc, duy trì vườn hoa, cây xanh.
Chị Cầu kể, ngày bé, mỗi khi được nghỉ học, chị vẫn hay được mẹ cho đến chỗ làm. Những lần ấy, chị cùng phụ giúp mẹ trồng, chăm hoa để rồi dần yêu công việc và theo gương mẹ vào làm tại Xí nghiệp Quản lý công viên cây xanh số 1. Thời gian thấm thoắt trôi, với kinh nghiệm tích lũy trong suốt 27 năm qua, chị là một trong những công nhân có tay nghề cao, kỹ thuật tốt trong chăm sóc cây, hoa; khéo léo trong cắm hoa giàn, hoa chữ hoặc các khối trang trí trên đường phố vào những dịp lễ, Tết hay các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước.
Hẳn sẽ không ít người ngạc nhiên khi biết, 27 năm làm việc, chị gần như không năm nào được đón Giao thừa cùng gia đình. Bởi chỉ ngay sau khoảnh khắc những màn pháo hoa đón mừng năm mới kết thúc, chị Cầu đã có mặt tại các điểm phụ trách, kiểm tra lại cây, hoa trang trí hư hại, xô lệch để kịp thời sửa chữa, thay mới, bảo đảm sáng ngày đầu tiên của năm mới, hoa lá luôn rực rỡ, tươi đẹp nhất.
Với sự hỗ trợ của các phương tiện máy móc được đơn vị trang bị, công việc của các chị đã đỡ đi nhiều vất vả. Bởi trước đây, chị vẫn phải gò người kéo những thùng nước nặng 200 lít trên đường nhựa những ngày nắng gắt để tưới cây hay dùng liềm cắt cỏ thủ công. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ thì việc chăm cây hoa chưa khi nào là nhẹ nhàng bởi khối lượng công việc nhiều, áp lực cao. Thủ đô ngày càng có nhiều giống hoa mới, loài cây quý, việc của công nhân chăm sóc cây xanh là phải cập nhật những kiến thức chăm cây mới. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, kiến thức học được từ mẹ, từ những thế hệ đi trước, chị Cầu thành thạo nhìn cây đoán bệnh và các kỹ thuật chăm bón cho cây sinh trưởng tốt, ra hoa tươi đẹp, rực rỡ.
Hằng ngày, giữa nhịp sống đô thị hối hả, dòng người vội vàng lướt qua mà đôi khi không nhìn thấy những người công nhân áo xanh đang cần mẫn bắt sâu, nhặt cỏ, vun xới, tưới tắm từng chậu hoa tươi ven đường; lại càng chẳng để ý những giọt mồ hôi luôn ướt đẫm áo họ.
Không chỉ chăm hoa, công việc của những nữ công nhân như chị Cầu còn là khi mưa lớn, cây gãy cành rơi là ngay lập tức phải thực hiện giải tỏa, tạo lối đi thông thoáng cho người tham gia giao thông. Cũng giống với chị Lương và chị Oanh, chị Cầu không quản ngại ra đường lúc đêm hôm, khi mưa bão với đủ hiểm nguy và vất vả, nặng nhọc đã thành quen.
Với họ, vườn hoa đẹp của thành phố dành cho tất cả mọi người, nhưng trước hết là phần thưởng cho những ngày lao động vất vả của mình. Hạnh phúc trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 với các chị là có đủ đầy hoa, thêm bữa cơm vui vầy đoàn tụ bên gia đình.
Mùa mưa bão năm nào cũng vậy, bao khó khăn, nhọc nhằn và cả hiểm nguy chờ đón họ phía trước. Nhưng họ luôn tự tin, hạnh phúc với công việc mình lựa chọn, gắn bó gần như suốt cả cuộc đời. Nếu mỗi người phụ nữ là một bông hoa đẹp thì họ như những bông hoa lặng lẽ tỏa hương trong gian khó, làm đẹp cho đời từ những giọt mồ hôi cống hiến lặng thầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.