(HNM) - Quy định số 214-QĐ/TƯ về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được ban hành mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Với riêng nội dung về khung tiêu chí đánh giá cán bộ, có nhiều điểm đáng chú ý, đó là: Bên cạnh nhóm tiêu chí về chính trị, tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật là nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, với nhiều “tiêu chí chung” và “tiêu chí đặc thù”. Mẫu số chung của các tiêu chí trên là đề cao hiệu quả hoàn thành công việc.
Rất sáng rõ, Quy định số 214-QĐ/TƯ thêm một lần nữa nhấn mạnh: Chất lượng, hiệu quả công việc chính là thước đo đánh giá cán bộ!
Có thể thấy, những năm qua, công tác đánh giá cán bộ luôn là vấn đề nhận được sự chú ý đặc biệt trước hết bởi lẽ, đánh giá cán bộ là khâu rất hệ trọng, nhạy cảm và phức tạp trong các khâu của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ chính là khâu có tính quyết định để tuyển dụng, xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ. Đánh giá cán bộ cũng là khâu trọng yếu, là căn cứ bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật...
Trên thực tế, khâu đánh giá cán bộ luôn được đặc biệt quan tâm, từng bước điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện tiêu chí gắn liền với công việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, phù hợp với tiêu chuẩn của từng chức danh, vị trí lãnh đạo, quản lý. Khâu đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp; tuy nhiên, nhiều hạn chế trong khâu đánh giá cán bộ cũng đã bộc lộ, nhận diện.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhận định: Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cũng chỉ ra: Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Một trong số nguyên nhân được chỉ ra là chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ, tạo động lực, bảo vệ cán bộ và thu hút, trọng dụng nhân tài...
Nhằm đáp ứng mục tiêu tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ, công tác đánh giá cán bộ đứng trước đòi hỏi đổi mới theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Với bất kỳ công chức, viên chức, người lao động, nếu phẩm chất chính trị, bằng cấp, chứng chỉ… là cơ sở cho việc tuyển dụng thì hiệu quả công việc, mức độ hoàn thành công việc được giao chính là thước đo để đánh giá, xếp loại lao động, thi đua. Nói cách khác, bằng cấp, chứng chỉ là “điều kiện cần”, khả năng giải quyết công việc, hiệu quả công việc là thước đo thực tế, là “điều kiện đủ”.
Từ yêu cầu đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành các quy định, quyết định cụ thể... Chẳng hạn, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU, ngày 8-11-2017, về “Quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý". Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16-5-2018, về Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội.
Ban Tổ chức Trung ương đánh giá, Hà Nội là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng trong toàn hệ thống chính trị; qua đó góp phần cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".
Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, khâu đánh giá cán bộ được luật hóa, trong đó tiêu chí về mức độ hoàn thành nhiệm vụ đóng vai trò quan trọng như ở Luật Cán bộ, công chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Nghị định số 88/2017/ NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức…
Năng lực giải quyết công việc không chỉ xem xét trong một giai đoạn ngắn mà cần cả quá trình, có tính thường xuyên, liên tục. Nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ đòi hỏi việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp. Đồng thời, quy chế, quy trình, quy định đánh giá cán bộ, nhất là các trường hợp quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển và giới thiệu bầu cử phải luôn gắn với “hằng số” là hiệu quả giải quyết nhiệm vụ được giao.
Có cơ chế sát thực trong đánh giá cán bộ là yêu cầu từ thực tế cuộc sống. Định lượng, lượng hóa được cụ thể công việc hoàn thành (của cán bộ) là tiêu chí tối quan trọng như Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII chỉ rõ: “Theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm”. Trong toàn bộ quá trình này, công khai hóa, minh bạch, dân chủ hóa trong đánh giá cán bộ là giải pháp để khắc phục hiện tượng hoặc nể nang, né tránh hoặc thiên vị, cục bộ… như thời gian qua.
Từ những chuyển động thực tế thời gian qua cùng với những quy định cụ thể, chi tiết trong các quy định của Trung ương và thành phố Hà Nội là cơ sở quan trọng, "lưới lọc" hiệu quả giúp chúng ta thực hiện tốt công tác đánh giá, sử dụng cán bộ. Công tác này được thực hiện thường xuyên, liên tục sẽ góp phần củng cố niềm tin, sự kỳ vọng ở mỗi người dân về năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ trong phục vụ công cuộc dựng xây Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.