Kinh tế

Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam: Thách thức nhiều, cơ hội không ít

Hương Thủy 03/07/2023 - 07:02

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện, đặc biệt là công tác thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ, song cũng mang lại cho chúng ta những cơ hội mới.

img_20230207091845.jpg
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất máy in tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh).   Ảnh: Nhật Nam

Tác động đến vị thế cạnh tranh

Thuế tối thiểu toàn cầu là nội dung thứ hai trong 2 trụ cột chính của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu euro (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Giả sử, một công ty Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam, đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 11%, thì mức chênh lệch 4% sẽ phải nộp về quốc gia nơi có trụ sở chính là Hàn Quốc.

Các nước châu Âu và châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam, đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, tránh việc nộp thuế bổ sung phần thấp hơn mức tối thiểu về các nước công ty mẹ đóng trụ sở chính.

Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy nhận định, thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên nhiều phương diện. Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam kém hấp dẫn với các nhà đầu tư đa quốc gia (MNE). Đây chính là vấn đề có thể ảnh hưởng tới việc thu hút và mở rộng đầu tư chất lượng cao bởi những doanh nghiệp MNE đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Hiện nay, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu đề xuất. Tuy nhiên, theo tính toán, thuế thực tế với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình chỉ khoảng 12,3%. Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn MNE cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn. Việc chuyển dịch đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Tổng cục Thuế đã rà soát số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022. Theo đó, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp) chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu được áp dụng từ năm 2024. Các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng.

Nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội

Tuy nhiên, ông Lưu Đức Huy cho rằng, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam nhưng cơ hội mới. Đó là góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế thông qua sửa đổi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, đây là cơ hội giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận thông qua lợi dụng các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo mặt bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước như hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn để giành quyền đánh thuế bổ sung. Cùng với đó, xây dựng các cơ chế ưu đãi bổ sung để duy trì năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vừa qua, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp liên quan, ứng phó hiệu quả, phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Thường trực Chính phủ đã họp bàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có báo cáo đánh giá tác động. Tổ công tác sẽ đề xuất với Thủ tướng, sau đó sớm trình Chính phủ và Quốc hội những giải pháp, các chính sách thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian tới. Nếu kịp thì những chính sách thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được ban hành ngay trong tháng 10-2023.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuế tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng đến Việt Nam: Thách thức nhiều, cơ hội không ít

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.