Kinh tế

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Những điều cần lưu ý

Hương Thủy 16/12/2023 - 06:16

Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và chính thức tham gia vào một sân chơi lớn của thế giới. Nghị quyết có một số điểm đáng lưu ý.

khu-cong-nghiep.jpg
Hơn 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu tác động của quy định bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Trong ảnh: Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Có thể thu được 14.600 tỷ đồng tiền thuế

Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu bao gồm 8 điều và
1 phụ lục. Một số điểm đáng lưu ý tại nghị quyết là người nộp thuế là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên trừ một số trường hợp theo quy định.

Nghị quyết quy định 2 nội dung về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung: Quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn, áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia nêu trên, có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tài chính; quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia nêu trên, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu tại bất kỳ thời điểm nào trong năm tài chính.

Thuế suất tối thiểu được quy định tại nghị quyết là 15%. Người nộp thuế phải kê khai tờ khai thông tin theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu; tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính.

Theo số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng. Cũng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) thì sẽ có 6 tập đoàn của Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng và số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn).

Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết

Các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính.

Trên thực tế, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo hướng dẫn về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thuế tối thiểu toàn cầu có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Tại nghị quyết trên giao Chính phủ, các bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, chính sách quy định tại nghị quyết; khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm cho việc thực hiện nghị quyết. Đồng thời, Chính phủ, các bộ chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác đa phương về trao đổi thông tin tự động phục vụ việc thu thuế tối thiểu toàn cầu; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai chính thức, phân công trách nhiệm, tổ chức bộ máy, nguồn lực để kịp thời đáp ứng năng lực thực hiện cho cơ quan thuế, có biện pháp nâng cao tuân thủ tự nguyện cho người nộp thuế.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong nghị quyết để bảo đảm đầy đủ các căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất với quy định tại nghị quyết để triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Những điều cần lưu ý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.