Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước: Cần quy định cụ thể

Việt Nga| 01/08/2014 07:16

(HNM) - Tại phiên họp của Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cùng các ngành liên quan xây dựng quy chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN).


Tiết kiệm, hiệu quả

Thuê dịch vụ CNTT trong CQNN có thể hiểu là thay vì đầu tư từ A đến Z thì các đơn vị này thuê DN cung cấp các dịch vụ CNTT (gồm cả phần cứng, phần mềm) theo yêu cầu của đơn vị. Dịch vụ này đã và đang phổ biến tại các nước phát triển bởi vừa tiết kiệm vừa đem lại hiệu quả sử dụng cao hơn. Tại Việt Nam đến nay mới có một số CQNN sử dụng dịch vụ này, cụ thể: Văn phòng Quốc hội thuê toàn bộ thiết bị hạ tầng, hệ thống E-pass, thiết bị đầu cuối như laptop, máy in, scanner của Tập đoàn VNPT; Văn phòng Chính phủ thuê dịch vụ kết nối với 63 địa phương, dịch vụ truyền số liệu và thiết bị đầu cuối. Còn lại, hoạt động thuê dịch vụ CNTT chủ yếu được biết đến với việc các DN, trong đó phần nhiều là DN, tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam thuê dịch vụ máy chủ của các DN CNTT trong nước.

Hiện nay, đã có một số cơ quan thuê dịch vụ CNTT phù hợp với yêu cầu của đơn vị. Ảnh: Như Ý



Lĩnh vực CNTT, đặc biệt là các thiết bị phần cứng, có vòng đời công nghệ không cao, dẫn đến phải thường xuyên đầu tư, nâng cấp. Trong khi đó, nếu đi thuê, CQNN sẽ chỉ phải trả một khoản tiền nào đó theo từng năm, chứ không phải chi cả khoản lớn cho đầu tư mua sắm. Một vấn đề không thể không đề cập là nếu tự đầu tư mua sắm hệ thống CNTT, CQNN phải cần nhân lực để quản lý, duy trì hệ thống.

Đã đầu tư thì tiếp tục sử dụng

Chủ trương cho phép các CQNN thuê dịch vụ CNTT được các chuyên gia, nhà quản lý trong ngành ủng hộ, thống nhất cao. Song bên cạnh những lợi ích từ việc đi thuê dịch vụ này, tại các phiên họp lấy ý kiến góp ý xây dựng quy chế do Bộ TT-TT tổ chức, đa số đề xuất cơ quan soạn thảo cần có những quy định cụ thể trong việc xây dựng hành lang pháp lý. Có một thực tế là, hầu hết CQNN hiện đã thực hiện xong việc đầu tư hệ thống CNTT tại đơn vị mình, gồm các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành, các DN nhà nước lớn... kèm theo đó là nguồn nhân lực CNTT không nhỏ. Chẳng hạn, với các cơ quan bộ - có nơi có những đơn vị chuyên trách về ứng dụng CNTT (có nơi gọi là trung tâm, nhưng có những nơi gọi là cục). Vậy, khi quy chế thuê ngoài dịch vụ CNTT được ban hành và triển khai, đặt ra những vấn đề với CQNN đã có cơ sở hạ tầng CNTT, vậy họ tiếp tục đầu tư hay thuê ngoài? Liệu có hay không xảy ra tình trạng CQNN sẽ đồng loạt thanh lý thiết bị cũ để đi thuê lại, từ đó gây lãng phí cho ngân sách nhà nước? Vấn đề đầu tiên được các chuyên gia đề xuất là trong quy chế phải xác định được "cái" gì được thuê. Tại phiên lấy ý kiến của Ủy ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT chiều 29-7, các ý kiến tiếp tục đặt ra 3 vấn đề: Nếu thuê ngoài, có đầu tư nữa không; kinh phí thuê ngoài lấy từ tiền đầu tư cho CNTT hay từ chi thường xuyên; có nên quy định danh mục, dịch vụ khuyến khích thuê ngoài không. Theo dự thảo, Bộ TT-TT cũng đưa ra nhóm danh mục khuyến khích đi thuê gồm nhóm dịch vụ (13 dịch vụ) và nhóm ứng dụng CNTT (7 dịch vụ). Song một số ý kiến cho rằng nếu quy định như vậy sẽ khó khả thi, vì với những CQNN, như Bộ Công an, Quốc phòng… sẽ không phù hợp với việc đi thuê lại dịch vụ CNTT; đồng thời đề xuất, ban soạn thảo nên quy định theo hướng đưa ra những nguyên tắc chung cho việc thuê ngoài, theo hướng cái gì Nhà nước đã đầu tư thì tiếp tục sử dụng, còn thiết bị gì Nhà nước chưa đầu tư thì khuyến khích thuê ngoài để tránh lãng phí. Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị cần làm rõ về giá thuê dịch vụ, về những quy định tránh tình trạng độc quyền thuê dịch vụ…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước: Cần quy định cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.