(HNNN) - Sử dụng thực phẩm nhập khẩu là thói quen ưa thích của nhiều bà nội trợ bởi họ tin rằng loại thực phẩm này luôn tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, châu Mỹ... Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi sử dụng thực phẩm nhập khẩu, nhất là các sản phẩm có giá rẻ bất thường.
Giá rẻ “giật mình”
Khi được hỏi, rất nhiều bà nội trợ cho biết thực phẩm nhập khẩu của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Pháp, Đức... là ưu tiên lựa chọn của họ trong các bữa ăn gia đình bởi tuy giá cao nhưng chất lượng đảm bảo. Hình thức mua các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu hiện nay chủ yếu là qua các kênh bán hàng online, đặt hàng từ các trang mua sắm trực tuyến hoặc mua trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhập khẩu.
Tuy nhiên có một thực tế, nhiều loại thực phẩm nhập khẩu hiện đang được rao bán với giá rẻ bất thường, đặc biệt là các loại hoa quả nhập khẩu, khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi về chất lượng. Không chỉ xuất hiện tại các cửa hàng, siêu thị mà hiện nay, các loại hoa quả nhập khẩu còn có mặt tại các chợ cóc, thậm chí đến cả người bán hoa quả rong cũng kinh doanh mặt hàng này. Chẳng hạn, trên một số trang mạng, giá cherry chỉ hơn 300.000 đồng/kg, nho Mỹ chỉ 100.000 - 120.000 đồng/kg, cam Australia rao bán với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, trong khi giá của sản phẩm cùng loại ở các siêu thị hay cửa hàng nhập khẩu cao hơn từ 1,5 tới 2 lần.
Đưa ra lý giải về giá hoa quả nhập khẩu rẻ bất thường, chị Nguyễn Thị Hòa, chủ cửa hàng hoa quả nhập khẩu trên phố Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cho biết, sản phẩm giá rẻ có thể được các đầu nậu dán tem và “khoác” cho mác hàng nhập khẩu châu Âu, Mỹ. Bên cạnh đó, hiện các giống cây như xoài Thái, nho, táo Mỹ... đã được trồng ở Trung Quốc, nhưng do thổ nhưỡng, cách chăm bón, bảo quản không đúng quy trình nên chất lượng không bằng, nhưng đội lốt hàng châu Âu để trà trộn vào thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, các mặt hàng tươi sống như dẻ sườn bò nhập khẩu giá rẻ đang bán tràn lan trên thị trường cũng khiến người tiêu dùng bất an. Chỉ cần vào mạng gõ cụm từ sườn sụn, xương sụn bò, cốt lết, dẻ sườn bò Australia trên công cụ tìm kiếm của mạng xã hội, người dùng sẽ thấy hàng loạt bài đăng bán sản phẩm này với giá rất rẻ. Mỗi cân dẻ sườn bò Australia được bán với giá dao động từ 130.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, thậm chí chỉ còn 90.000 - 100.000 đồng/kg nếu người mua lấy số lượng lớn.
Nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu khác cũng được chào bán với giá khá rẻ như sườn cánh buồm Nga có giá 130.000 - 150.000 đồng/kg, sườn cốt lết Canada 140.000 - 160.000 đồng/kg, móng giò lợn Ba Lan 120.000 - 130.000 đồng/kg, bắp giò lợn Ba Lan cắt khoanh 110.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn Nga 140.000 đồng/kg, thịt nạc vai Nga có giá 130.000 - 140.000đồng/kg...
Điều đáng quan tâm là hầu hết các tài khoản đăng bán thịt lợn đông lạnh nhập khẩu trên mạng xã hội đều là tài khoản cá nhân, không ghi rõ địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi chung chung như Hà Đông (Hà Nội), Đống Đa (Hà Nội)... Cùng với đó, các sản phẩm thịt lợn được đăng bán cũng không ghi rõ ràng nguồn gốc, không rõ được nhập khẩu về Việt Nam qua công ty nào, thời gian nào mà người bán chỉ ghi là thịt bò Australia, thịt lợn Nga, Canada, Ba Lan...
Với mức giá siêu rẻ của sản phẩm dẻ sườn bò nhập khẩu, nhiều ý kiến cho rằng, dẻ sườn bò trong nước lấy tại các xưởng giết mổ giá buôn đã là 150.000 - 180.00 đồng/kg và bán lại cho khách là 200.000 - 220.000 đồng/kg. Do đó, hàng nhập về qua nhiều khâu và thêm chi phí vận chuyển mà giá rẻ như vậy thì khách hàng cần xem lại chất lượng. Bác Nguyễn Thị Nhà, chủ cửa hàng kinh doanh thịt bò ở chợ Hà Đông dự đoán, các mặt hàng này có thể là dẻ sườn trâu, sụn sườn trâu nhập từ Ấn Độ; để bán được hàng, các đầu mối rao là hàng của Australia hoặc trong nước để tạo niềm tin.
Kiểm soát chặt nguồn gốc
Những vụ việc liên quan tới thực phẩm nhập khẩu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện gần đây khiến dư luận lo lắng. Tháng 9-2020, công an tỉnh Khánh Hòa đã kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Moon Milk, có địa chỉ số 6 Thân Nhân Trung, phường Vĩnh Hòa, Nha Trang, phát hiện hơn 6,6 tấn thực phẩm nhập khẩu có dấu hiệu bất thường. Theo đó, số thực phẩm này gồm thịt heo, thịt bò và thịt gà... được doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài nhưng một số đã hết hạn sử dụng, một số không rõ nguồn gốc. Do đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản niêm phong, tạm giữ số thực phẩm này để điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
Tại tỉnh Lạng Sơn, đầu tháng 1-2021, lực lượng chức năng tỉnh phát hiện và bắt giữ được 2 xe hàng sa sâm với khối lượng gần 2 tạ nhập lậu trên quốc lộ 4B, thuộc địa phận xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Toàn bộ số hàng hóa đều không có đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Mới đây, một lượng lớn xúc xích không rõ nguồn gốc cũng được tỉnh này phát hiện khi đang vận chuyển trên xe hàng theo hướng Lộc Bình - Lạng Sơn... Chưa nói đến chất lượng các loại thực phẩm này, chỉ xét trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành như hiện nay, thực phẩm nhập khẩu nếu không được kiểm soát chặt về nguồn gốc, chúng rất dễ trở thành mối nguy hại khôn lường vì là con đường ngắn nhất lây truyền dịch bệnh.
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, các chuyên gia đã xác định vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bao bì thực phẩm, do vậy Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan liên quan lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm đối với các thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch Covid-19 (đặc biệt là thực phẩm đông lạnh) để xem sản phẩm có nhiễm vi rút SARS-CoV-2 hay không, từ đó mới quyết định cho thông quan, nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam.
Trong “ma trận” sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hiện nay, bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho hay, để lành mạnh hóa thị trường thực phẩm nhập khẩu, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các loại thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là hoa quả nhập khẩu. “Cần có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, sử dụng chất bảo quản, các lô hàng không rõ xuất xứ có hóa chất độc hại. Mặt khác, nước ta cần phát triển các vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng”, bác sĩ Nguyễn Trọng An nêu.
Bà Trần Việt Nga khuyến cáo, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, kiểm chứng thông tin về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của người bán hàng, điện thoại, email... Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng. Khi quyết định mua và sử dụng các mặt hàng thực phẩm nhập ngoại, người tiêu dùng nên tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình nhập và phân phối để mua hàng bảo đảm chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.