Ngày 23/3, các cơ quan của Liên hợp quốc gồm Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố chung khẳng định không có bằng chứng cho thấy thực phẩm nhiễm phóng xạ ở các quốc gia ngoài Nhật Bản.
Ảnh minh họa. |
Ngày 23/3, các cơ quan của Liên hợp quốc gồm Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố chung khẳng định không có bằng chứng cho thấy thực phẩm nhiễm phóng xạ ở các quốc gia ngoài Nhật Bản.
Tuyên bố được đưa ra nhằm đáp lại mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về tình hình an toàn thực phẩm trên thế giới trong bối cảnh các sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Nhật Bản gây rò rỉ phóng xạ.
Tuyên bố còn cho biết các cơ quan này cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ Nhật Bản giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm.
Cố vấn đặc biệt về khoa học và công nghệ của IAEA, ông Graham Andrew nhấn mạnh trong mấy ngày qua chưa phát hiện nguy cơ nghiêm trọng nào đối với sức khỏe con người, nhưng vẫn cần hết sức thận trọng. Nhóm chuyên gia giám sát thứ hai của IAEA đã hỗ trợ các đồng nghiệp Nhật Bản kiểm tra phóng xạ.
Liên hợp quốc nhấn mạnh chất phóng xạ theo nước mưa hoặc tuyết có thể đã nhiễm trên bề mặt của rau quả hoặc thức ăn của gia súc. FAO và WHO khuyến cáo người sản xuất và tiêu dùng thực phẩm ở Nhật Bản thực hiện các biện pháp bảo vệ thực phẩm và vật nuôi, trước nguy cơ nhiễm phóng xạ theo quy trình đã được hướng dẫn.
Trước đó, nhà chức trách Nhật Bản thông báo đã phát hiện một số sản phẩm rau và sữa nhiễm phóng xạ ở mức có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, nước sinh hoạt ở thủ đô Tokyo cũng được báo động đã nhiễm xạ ở mức không an toàn đối với trẻ em. Tình hình đang được giám sát chặt chẽ.
Trong bối cảnh này, thêm một số quốc gia ngừng nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản. Mỹ, Australia và Canada đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ một số khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Nhật Bản trước đó cũng đã cấm các nông trại tại khu vực này sản xuất thực phẩm.
Chính phủ Nhật Bản cho biết tổn thất trực tiếp của động đất và sóng thần có thể lên tới 309 tỷ USD, song con số này chưa tính đến các tổn thất gián tiếp như những thiệt hại do hoạt động sản xuất bị đình trệ, thiếu nhiên liệu như xăng, dầu, điện. Công ty Điện lực Tokyo ngày 23/3 cho biết tình trạng thiếu điện có thể kéo dài nhiều tháng. Công ty không cung ứng đủ điện vì 13 nhà máy điện vẫn chưa hoạt động.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã điện đàm để thảo luận về việc Washington tiếp tục hỗ trợ hoạt động cứu trợ và khắc phục sự cố hạt nhân sau thảm họa động đất tại Nhật Bản.
Tuyên bố với báo giới, Ngoại trưởng Clinton khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản trên tinh thần là đồng minh, đối tác hữu nghị truyền thống./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.