Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hư đậu phụ khiến trẻ dậy thì sớm

(Theo Zing)| 24/08/2015 11:19

Thông tin một bé gái 6 tuổi có dấu hiệu ngực to bất thường do ăn đậu phụ thường xuyên khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Đậu phụ liệu có phải là thủ phạm gây dậy thì sớm hay không?

Mới đây, một phụ nữ Trung Quốc mới đây đã tìm đến các bác sĩ nhi bởi tình trạng vòng một to bất thường của cô con gái nhỏ. Điều đó khiến cả gia đình bé gái lo lắng, bởi ngực của em mỗi ngày thêm phát triển, khiến cơ thể mất cân đối.

Sau khi đảm bảo trong cơ thể bé không ẩn chứa mầm bệnh nguy hiểm, các bác sĩ đã hỏi gia đình về tình trạng ăn uống và thói quen dinh dưỡng của cô bé.

Sau đó, nguyên nhân sau đó được cho là do việc bà đã cho cháu gái ăn đậu phụ thường xuyên với mục đích giảm cân.

Thông tin này đã khiến không ít chị em lo lắng bởi đậu phụ là thực phẩm quen thuộc trong mâm cơm hàng ngày.


Lỗi không phải do đậu phụ

Giải đáp nghi vấn trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định: “Không có cơ sở để nói rằng đậu phụ là thủ phạm khiến bé gái dậy thì sớm vì đây là protein thực vật chứ không phải động vật - loại hay bị dùng các chất kích thích sinh trưởng, hormone thì mới có thể gây ra những biến đổi. Trẻ con ăn rất nhiều thứ nên không thể khẳng định nguyên nhân là do đậu phụ”.

Ông cho biết thêm, đậu phụ rất tốt bởi đây là loại protein lành tính. Trong khi đó, protein từ động vật dễ gây biến đổi hơn nếu sử dụng trong quá trình dài, có tích lũy (như trứng, sữa, pho mát...) Đây chính là lý do người phương Tây thường dậy thì sớm hơn.

Trả lời nghi vấn đậu phụ được làm từ đậu tương biến đổi gen có thể gây ra những biến đổi tương tự ở người, vị chuyên gia cho hay: “Thực chất, quá trình nhập và sản xuất nguồn thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen ở nước ta chưa được rõ ràng.

Trong trường hợp này, không chỉ riêng đậu phụ mà còn có trong các chế phẩm khác từ đậu nành, và chúng cũng được dùng làm thức ăn chăn nuôi.

Tuy nhiên, chưa thể khẳng định thực phẩm biến đổi gen gây ra những tác dụng phụ nhưng cần phải công khai để người dân lựa chọn có nên dùng các sản phẩm biến đổi gen hay không. Đồng thời, các nhà khoa học cần có những nghiên cứu sâu hơn về tác động của chúng đến sức khỏe”.

Còn theo bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong đậu nành có chứa các chất nội tiết tố thực vật (phytoestrogen) như daidzein và genistein thuộc nhóm isoflavon, có tác dụng dược lý như kích thích nội tiết tố nữ estrogen.

Về nguyên tắc, nó có thể kích thích sự dậy thì sớm nhưng cần phải ăn với một số lượng rất nhiều vì phytoestrogen trong đậu nành chỉ chiếm khoảng 2-5%. Trong khi đó, lượng đậu phụ hay các sản phẩm khác từ đậu nành đều nằm trong ngưỡng an toàn.

Chung quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng tuy trong đậu nành có chất daidzein và genistein kích thích nội tiết tố nữ estrogen nhưng đây là dạng hormone thực vật, khó có thể làm bé gái dậy thì sớm, ngay cả nam giới sử dụng vẫn không bị “nữ hóa” hay yếu sinh lý như nhiều người lầm tưởng.

”Đậu phụ là nguồn cung cấp các chất đạm và vitamin. Trẻ con có thể ăn mỗi ngày, thậm chí 1-2 bìa/ngày, tất nhiên các em không thể ăn với số lượng lớn liên tục như vậy”, BS Hưng cho biết.

Theo bác sĩ Khải, nhiều trẻ em hiện nay dậy thì sớm. Nguyên nhân là thường xuyên ăn các thực phẩm chăn nuôi công nghiệp khiến trẻ bị béo phì tăng tiết hormone giới tính sớm.

Ngoài ra, các loại thuốc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng hay điều kiện giáo dục… cũng là những nguyên nhân đáng lưu tâm.

Đặc biệt, sự bùng nổ công nghệ thông tin khiến trẻ tiếp xúc nhiều với thể giới bên ngoài, dễ dàng tiếp cận các thể loại phim ảnh người lớn, phim tình cảm cũng khiến trẻ bị kích thích thần kinh, tăng tiết hormone nội tiết.

“Tuy nhiên, việc một đứa trẻ 5-6 tuổi có các dấu hiệu dậy thì (chẳng hạn ngực phát triển) không đồng nghĩa với việc các em sẽ có ham muốn tình dục. Do đó, bố mẹ không cần quá lo lắng”, BS Khải cho hay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hư đậu phụ khiến trẻ dậy thì sớm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.