Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Hương Ly| 02/12/2022 06:27

(HNM) - Bảo đảm trật tự đô thị; bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công triển khai các dự án hay chống thất thu thuế... luôn là “bài toán khó” với các địa phương. Nhờ thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiều địa phương của Hà Nội đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, từng bước tháo gỡ những “nút thắt”, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng như quản lý trật tự đô thị, quản lý chợ, thu thuế...

Huyện Thường Tín công khai bản đồ quy hoạch Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại xã Hồng Vân. Ảnh: Công Tâm

Những cách làm hay, sáng tạo

Thực hiện mục tiêu phát huy dân chủ phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với những nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đó là thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự đô thị, công tác thuế... Qua đó, đã nâng cao chất lượng và thực sự phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. 

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, nhận thức việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở các chợ là phát huy quyền làm chủ của cán bộ, nhân viên, người kinh doanh, từ năm 1996, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp quản lý, khai thác chợ xây dựng Quy chế quản lý chợ, Quy chế chi tiêu nội bộ, Nội quy hoạt động; công khai tiền thuê địa điểm kinh doanh, các loại thuế, việc thu - chi các quỹ qua loa truyền thanh của chợ và niêm yết tại trụ sở đơn vị. Vào các dịp điều chỉnh mức giá cho thuê quầy, sạp, giá dịch vụ, doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc công khai, trao đổi, tạo sự đồng thuận. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của các tiểu thương được nâng cao, hoạt động kinh doanh tại các chợ ổn định, hiệu quả. 

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định chia sẻ, quận Đống Đa tập trung thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách hành chính, mở rộng phạm vi triển khai ứng dụng thực hiện cải cách hành chính. Đến nay, 95% người nộp thuế khai thuế và nộp thuế theo phương thức điện tử. Quận cũng thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử với 2.772 hộ kinh doanh trên địa bàn, 72% hộ cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng ứng dụng thuế điện tử cài đặt trên điện thoại thông minh (eTax Mobile). Quận cũng chỉ đạo công khai doanh thu, mức thuế tại UBND các phường và Ban Quản lý các chợ để mọi người được biết…

Trong khi đó, tại quận Thanh Xuân, xuất phát từ thực tế trên địa bàn có 222 nhà chung cư cũ, quận đã triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc xây dựng lại các tòa nhà chung cư cũ. Theo đó, các chủ trương cũng như phương án, kế hoạch về rà soát, kiểm định các nhà chung cư cũ, kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết… đều được chính quyền quận, phường công khai trên cổng thông tin điện tử, tại các bản tin nội bộ của các khu dân cư, tổ dân phố, các hội nghị đối thoại nên người dân đã nắm rõ hơn tình hình và đồng thuận khi triển khai thực hiện... 

Việc thực hiện Quy chế dân chủ giúp tạo môi trường văn hóa trong kinh doanh tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Đỗ Tâm

Tham gia triển khai các dự án lớn

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà hệ thống dân vận của thành phố Hà Nội đã, đang tập trung thực hiện là tuyên truyền để nhân dân đồng thuận thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đúng tiến độ.

Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn đi qua huyện Đan Phượng dài khoảng 6,3km, với tổng diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 73ha, liên quan đến 1.431 hộ dân. Đến nay, Đan Phượng đã tổng hợp xong quy mô, tổng mức đầu tư để đề xuất thành phố chấp thuận về vị trí tái định cư; chỉnh trang, mở rộng các nghĩa trang. 100% các xã có dự án đi qua đã tổ chức họp Đảng bộ để quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, xin ý kiến vào dự thảo kế hoạch và triển khai nội dung thực hiện dự án đến cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản chia sẻ, liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, địa bàn huyện có 2.001 hộ, cá nhân, 14 cơ quan, tổ chức có đất phải thu hồi. Đáng chú ý, số lượng mồ mả phải di chuyển là 4.224 mộ tại 5 xã. Để tổ chức tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác giải phóng mặt bằng. Huyện cũng chú trọng vận động các gia đình có mồ mả phải di chuyển chấp hành chủ trương của Nhà nước, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ…

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quy chế dân chủ trong công tác giải phóng mặt bằng đã nâng cao trách nhiệm của các cơ quan; làm rõ nghĩa vụ của những người trong diện thu hồi đất; bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người phải thu hồi đất, tạo sự đồng thuận phục vụ đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị của thành phố. 

Thực tế cho thấy, sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của người dân có vai trò quyết định đối với thành công của mọi công việc, nhất là các việc khó như công tác giải phóng mặt bằng, quản lý chợ, công tác thuế… Vì thế thời gian tới, người đứng đầu các cấp cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác dân vận và phát huy dân chủ ở cơ sở, coi đây là nhiệm vụ để nâng tầm hiệu quả công tác dân vận nói chung và việc thực hiện quy chế dân chủ nói riêng trên địa bàn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở: Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.