Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện tốt, dân được nhờ

Phong Thu| 30/12/2014 06:36

(HNM) - Xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong hai khâu đột phá trong công tác cải cách hành chính, thời gian qua, nhiều đơn vị đã quyết tâm rà soát, đơn giản hóa TTHC, đồng thời triển khai cách làm phù hợp mang lại thuận lợi cho tổ chức, công dân.

Liên tục trong những năm gần đây, cùng với kế hoạch công tác CCHC, các đơn vị đều có kế hoạch kiểm soát TTHC, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác CCHC về nghiệp vụ rà soát TTHC. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã kết hợp rà soát TTHC với rà soát chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, qua đó bảo đảm việc ban hành văn bản có sự thống nhất, đúng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, giảm TTHC rườm rà. Điển hình như thị xã Sơn Tây đã kiến nghị sửa đổi bổ sung 7 TTHC lĩnh vực tài chính; 35 TTHC lĩnh vực TN - MT; kiến nghị thay đổi tên 5 TTHC lĩnh vực KH - ĐT; kiến nghị thay thế, phân cấp 14 thủ tục thuộc các lĩnh vực: LĐ-TB&XH, tư pháp, tài chính). Cũng qua rà soát, đến nay nhiều TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của thị xã đã được rút ngắn thời gian so với quy định như trả kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất ngay trong ngày thay vì 5 ngày; đổi sổ, tách hộ khẩu giảm từ 7 ngày xuống còn 5 ngày; đăng ký thường trú về với vợ, chồng từ 15 ngày xuống còn 7 ngày. Tại huyện Đan Phượng, một số TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp, địa chính được giải quyết trước thời hạn quy định. Cụ thể, thủ tục đăng ký kết hôn quy định thời gian giải quyết không quá 5 ngày, thủ tục đăng ký xóa thế chấp quy định là 3 ngày nhưng hầu hết được giải quyết trong ngày. Tương tự, việc chứng thực ở lĩnh vực tư pháp quy định là trong 8 giờ nhưng huyện luôn cố gắng giải quyết trả kết quả ngay cho công dân. Thông qua rà soát, quận Hà Đông còn phát hiện được trong 245 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận có 2 TTHC bị trùng lặp. Đó là thủ tục thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận người có công với cách mạng được hỗ trợ nhà ở trùng với thủ tục xác nhận hồ sơ miễn giảm thuế sử dụng đất một lần cho người có công; thủ tục chứng nhận người có công với cách mạng và con của họ trùng với thủ tục xác nhận học sinh tiểu học, THCS, THPT, sinh viên thuộc đối tượng hưởng chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ, xác nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó có 31 TTHC có tên trong bộ TTHC cấp huyện nhưng không thực hiện do thuộc thẩm quyền của Sở Công thương, thuộc thẩm quyền của bảo hiểm xã hội, hoặc không còn phù hợp theo quy định của nghị định, hết hiệu lực... Đáng chú ý, quận Hà Đông cũng phát hiện có 3 TTHC được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa có tên trong bộ thủ tục.

Hiện nhiều sở, ngành cũng đã rà soát và đang báo cáo trình UBND thành phố và Sở Tư pháp xem xét công bố mới TTHC, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ TTHC không phù hợp. Hiện Sở Xây dựng đang đề xuất trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, ban hành mới 28 TTHC, điều chỉnh, bổ sung 6 thủ tục, bãi bỏ 5 thủ tục; trong lĩnh vực xây dựng ban hành mới thủ tục "Thẩm định thiết kế cơ sở các công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước của TP Hà Nội". Năm 2014, Sở GT-VT không thuộc diện rà soát các nhóm TTHC trọng tâm của thành phố, song sở cũng báo cáo UBND thành phố về việc sửa đổi 19 TTHC, bổ sung 4 TTHC mới và bãi bỏ 5 TTHC thuộc lĩnh vực đường bộ. Đáng chú ý, việc tiếp nhận, hướng dẫn việc giải quyết các TTHC được Sở GT-VT coi là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục và đã thành lập đường dây nóng, hòm thư điện tử để trả lời các thắc mắc liên quan đến việc giải quyết TTHC.

Kinh nghiệm của các đơn vị làm tốt công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC là tăng cường năng lực, trách nhiệm cho cán bộ làm công tác CCHC. UBND thị xã Sơn Tây đã phân công 15 cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát TTHC của thị xã; phân công cán bộ theo dõi, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân. Theo Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Đặng Vũ Nhật Thăng, UBND thị xã xác định trách nhiệm cho từng cán bộ, công chức bộ phận "một cửa" trong việc hướng dẫn, tư vấn cho công dân và tổ chức đến giao dịch, giải quyết TTHC, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận "một cửa" theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Đến nay, việc thực hiện đã đi vào nền nếp, đang có những chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận của công dân. Cùng với việc bố trí cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC, các đơn vị cũng tổ chức tốt việc công khai, minh bạch TTHC, quy trình giải quyết TTHC và tăng cường đưa TTHC ra giải quyết theo cơ chế "một cửa" nên đã giảm được thời gian đi lại của công dân và giảm thời gian giải quyết thủ tục.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương triển khai đề án "Thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền" do Bộ Tư pháp xây dựng. Với đề án này, người dân có thể lập tức phản ánh chất lượng giải quyết TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần phát huy kết quả đạt được, tiếp tục coi trọng việc rà soát, đơn giản hóa TTHC nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện, tránh để tổ chức, công dân bức xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện tốt, dân được nhờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.