Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khắc phục hậu quả thiên tai

Theo Thắng Trung/TTXVN| 31/10/2020 14:42

Để tiếp tục khắc phục hậu quả hoàn lưu sau bão số 9, mưa lũ khu vực miền Trung, ngày 31-10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29-10; của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tại Công điện số 32/CĐ-TW ngày 28-10; Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30-10 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn; Công điện số 33/CĐ-TW ngày 30-10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Hiện trường vụ sạt lở Trà Leng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tập trung khẩn trương tìm kiếm người mất tích

Theo đó, các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do sạt lở đất tại các điểm sạt lở của tỉnh Quảng Nam, công trường Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 2 tàu cá tỉnh Bình Định bị chìm ngày 27-10; tổ chức cứu chữa người bị thương và thăm hỏi động viên những gia đình bị mất người, mất nhà.

Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thực hiện nghiêm công điện số 33/CĐ-TW của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai ngày 30-10 về tuần tra canh gác đê để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê ngay từ giờ đầu; kiểm tra, rà soát các hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu, các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ đảm bảo an toàn. Có phương án chủ động sơ tán người và tài sản, sẵn sàng bố trí lực lượng vật tư triển khai ứng cứu khi có sự cố.

Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân còn lại tại hiện trường sạt lở Trà Leng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão và mưa lũ rà soát các hộ dân bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị; huy động lực lượng giúp đỡ dân sửa chữa, dựng lại nhà cửa, phục hồi sản xuất, khôi phục hệ thống điện bị hư hỏng, hệ thống giao thông bị sạt lở, nhất là trên các quốc lộ, tỉnh lộ và cơ sở hạ tầng bị hư hỏng khác; bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là nhưng nơi bị sạt lở, qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước chảy xiết; kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là những hồ xung yếu, hồ đã tích đầy nước; rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

Hỗ trợ khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn

Ngày 30-10, Quân chủng Hải quân điều thêm tàu 465 và 2 máy bay quân sự phối hợp tìm kiếm cứu nạn, chỉ thị mục tiêu cho các tàu mặt nước tiếp tục tìm kiếm 23 nạn nhân mất tích còn lại của 2 tàu BĐ 96388 TS/12 lao động và BĐ 97469 TS/14 lao động (trước đó, vào lúc 0h00 ngày 30-10 tàu Fortone Iris vớt được 3 lao động trên tàu BĐ 97469 TS và bàn giao cho tàu 490).

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ II, III, IV; các Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị đường sắt và các đơn vị liên quan tập trung lực lượng hót dọn đất đá tràn mặt đường để thông xe; những vị trí sụt taluy âm, taluy dương dùng kè rọ thép; những vị trí bị nước ngập mặt đường tổ chức cắm cọc tiêu, rào chắn cảnh báo và tổ chức trực gác 24/24 giờ; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tổ chức phân luồng điều hành giao thông.

Ngành điện lực đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 366 xã, đang còn mất điện tại 359 xã tại 7 tỉnh gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum. 

Các tỉnh: Quảng Bình, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk đã khôi phục xong, cung cấp điện cho toàn tỉnh.

Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khôi phục để cấp điện nhanh nhất cho các phụ tải khi đảm bảo các điều kiện về an toàn.

Tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng thiên tai trước, trong và sau bão số 9 đến nay đã dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch.

144 người chết, mất tích và bị thương

Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến 7h ngày 31-10, bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm 27 người chết (Quảng Nam 23 người, gồm: Nam Trà My 17 người; Bắc Trà My 1 người; Phước Sơn 5 người); Gia Lai 1 người, Đắk Lắk 1 người; Nghệ An 2; 50 người mất tích (Nghệ An 4, Kon Tum 1, Bình Định 23, Quảng Nam 22); 67 người bị thương (Quảng Nam 46, Bình Định 17, Nghệ An 3; Kon Tum 1). Sơ tán 4.115 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất. Có 63 cầu bị hư hỏng; 22 cống bị bồi lấp, hư hỏng.

Sạt lở và lũ quét đã cuốn trôi hết mọi tài sản của người dân Trà Leng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tại tỉnh Nghệ An, một số điểm trên các tuyến quốc lộ 15, 46 và 46B và đường giao thông địa phương bị sạt lở.

Tỉnh Hà Tĩnh, quốc lộ 8A, 15, 12C và một số tuyến đường địa phương tại huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can lộc và Kỳ Anh có nhiều điểm bị sạt lở.

Bão Goni giảm cấp khi đi vào Biển Đông

Ngày 31-10, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện ở vùng biển phía Đông Philippines có một siêu bão (có tên quốc tế là Goni) đang hoạt động.

Hồi 7h ngày 31-10, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 128,8 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 810km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/h), giật trên cấp 17.

Ngày và đêm 31-10, bão đi theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc 20-25 km/h. Sáng 1-11, tâm bão nằm ngay trên khu vực miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất cấp 15, giật cấp 17. Như vậy, siêu bão có xu hướng giảm cấp trong những giờ tới trước khi đổ bộ Philippines.

Sau đó, bão đi theo hướng Tây, vận tốc 20 km/h và di chuyển vào Biển Đông. Sáng 2-11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 750 km. Lúc này, sức gió mạnh nhất duy trì ở cấp 10-11, giật cấp 13. Bão giảm cấp đáng kể sau khi quét qua đất liền Philippines.

Khoảng thời gian trên Biển Đông, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, vận tốc 15-20 km/h và tiếp tục giảm cấp. Sáng 3-11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa 330 km, sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12.

Từ 7h ngày 3 đến 7h ngày 4-11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong khắc phục hậu quả thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.