(HNMO) - Số liệu thống kê mới nhất từ UBND thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có 6.292 doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh đã nộp bản tự đánh giá theo Bộ Chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại doanh nghiệp. Trong số này, không có doanh nghiệp nào có chỉ số rủi ro ở mức rất cao (chỉ số CRLN từ 80-100%).
Chưa bảo đảm an toàn, phải tạm dừng hoạt động
Hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND các quận, huyện và y tế địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc tự đánh giá của doanh nghiệp cũng như thẩm định các chỉ số do doanh nghiệp nộp lên trước đó.
Có 3.727 doanh nghiệp (59,2%) tự đánh giá mức rất ít rủi ro lây nhiễm (chỉ số CRLN <10%); 2.483 doanh nghiệp (39,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chỉ số CRLN 10-30%); 77 doanh nghiệp (1,2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chỉ số CRLN 30-50%); 5 doanh nghiệp (0,1%) có mức rủi ro lây nhiễm cao (chỉ số CRLN 50-80%).
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kết quả thẩm tra cho thấy: 758 doanh nghiệp (44,9%) có mức rất ít rủi ro lây nhiễm; 895 doanh nghiệp (53,1%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 33 doanh nghiệp (2%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình.
Đối với 22 doanh nghiệp có trên 3.000 lao động: 10 doanh nghiệp (45,5%) có mức rủi ro lây nhiễm thấp; 11 doanh nghiệp (50%) có mức rủi ro lây nhiễm trung bình; 1 doanh nghiệp (4,5%) có mức rủi ro lây nhiễm rất cao (Công ty PouYuen).
Ngành Y tế cũng đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc giám sát công nhân cho 1.294 công nhân tại khu lưu trú của Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), tất cả đều có kết quả âm tính.
Như vậy, đến thời điểm này, thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ có Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là có chỉ số CRLN ở mức rất cao, phải tạm ngừng hoạt động.
UBND thành phố đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với quận Bình Tân tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục mức độ rủi ro tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam trước khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại.
“Nếu công ty chưa đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch thì tiếp tục dừng sản xuất”, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo.
Từng bước “rã đông” các hoạt động xã hội
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thi hành các biện pháp phòng dịch, tiếp tục thực hiện cách ly xã hội ít nhất đến hết ngày 22-4, thậm chí có thể kéo dài đến ngày 30-4. Tuy nhiên, thành phố cũng đã lên phương án mở dần các hoạt động xã hội, phục vụ dân sinh.
Cụ thể, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro lây nhiễm Covid-19 trong từng ngành, từng lĩnh vực, lấy đó làm “thước đo” mức độ an toàn để cho phép ngành, lĩnh vực đó dần hoạt động trở lại sau thời gian “đóng băng” thực hiện giãn cách xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm chỉ đạo, chậm nhất đến trước ngày 30-4, các sở, ngành, lĩnh vực phải hoàn tất bộ tiêu chí này để triển khai trong tháng 5-2020”.
Song song với việc từng bước tái khởi động các hoạt động xã hội, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai quyết liệt quy trình sàng lọc kép, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, quy trình sàng lọc kép bao gồm: Xét nghiệm lại với những người từng nhiễm Covid-19, đã được công bố khỏi bệnh và xét nghiệm tầm soát người nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Về xét nghiệm lại những người từng nhiễm Covid-19, Sở Y tế thành phố đang thực hiện xét nghiệm định kỳ 4 ngày, 10 ngày và 14 ngày đối với những người này trong thời gian họ tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà, sau khi được công bố hết bệnh.
Việc này được thực hiện để kiểm soát các ca bệnh đột biến, giống như ca bệnh số 22, từng được ngành y tế Đà Nẵng công bố khỏi bệnh sau 3 lần xét nghiệm âm tính với Covid-19; hết 14 ngày cách ly tại nơi cư trú, nhưng khi di chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để về nước, lại được phát hiện dương tính trở lại.
Về xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vẫn sẽ duy trì xét nghiệm ở ga tàu, bến xe, sân bay, tại các tuyến đường bộ, đường thủy…với những người ở các địa phương khác đến thành phố. Cùng với đó, ngành y tế tiếp tục tiến hành xét nghiệm diện rộng trong công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.