(HNM) - Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vừa qua, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có báo cáo về tình hình kết quả thực hiện 2 khâu đột phá (phát triển hạ tầng và hoàn thiện thể chế). Có thể nói, cùng với những bước đi căn bản nhằm thực hiệu khâu đột phá thứ ba về phát triển nguồn nhân lực, 2 khâu đột phá này đã có những sản phẩm cụ thể, qua đó tạo bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực liên quan.
Những dấu ấn bước đầu quan trọng
Những ngày này, công trường cầu Vĩnh Tuy 2 đang hối hả thi công các nhịp cầu giữa sông để khi hoàn thành sẽ hợp với đường trên cao chạy thẳng đến Ngã Tư Sở, tạo diện mạo mới cho đường Vành đai 2. Trong khi đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vừa có chuyến khảo sát thực địa địa bàn Hà Nội, hai tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên. Kết quả khẳng định, ít nhất 70% mặt bằng sẽ được bàn giao bảo đảm khởi công công trình vào giữa năm 2023. “Tôi thấy chưa có dự án nào mà tiến độ thực hiện lại nhanh như Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là tầm nhìn và quyết tâm chính trị, người dân chúng tôi rất phấn khởi chờ mong”, ông Nguyễn Văn Đông, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh chia sẻ.
Khâu đột phá thứ nhất được Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đề ra là “… tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô…” đang hướng tới những sản phẩm cụ thể. Tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố vừa qua, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã có báo cáo về tình hình thực hiện 2/3 khâu đột phá, trước hết là khâu đột phá về phát triển hạ tầng.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, các lĩnh vực hạ tầng của Thủ đô đều có những chuyển biến mới. Trong đó, thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư triển khai 40 dự án cấp nước. Hà Nội còn có những bước đi mạnh mẽ nhằm phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin gắn với thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, 98% phường, xã, thị trấn trên địa bàn được phủ sóng 4G; 100% phường, xã, thị trấn có hạ tầng mạng băng thông cáp quang. Thành phố đã chấp thuận cho các doanh nghiệp xã hội hóa đầu tư hạ ngầm 255 tuyến cáp viễn thông...
Khâu đột phá thứ hai là “…đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân; đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô…” cũng được thực hiện đồng bộ. Theo đó, UBND thành phố đã phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 gồm 5 lớp thành phần, lộ trình 3 giai đoạn.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết: “Việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ. Hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố đạt tỷ lệ 99,78%...”.
Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô, qua đó đã xác định được 9 nội dung báo cáo, đề xuất trong Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong thực hiện các khâu đột phá, do đó yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục rà soát tạo động lực mới, nguồn lực mới. Cùng với tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thành phố cần đẩy mạnh hạ tầng sản xuất, kinh doanh như: Các khu, cụm công nghiệp; trung tâm thương mại, dịch vụ; khách sạn cao cấp; trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng... Những dự án phát triển hạ tầng quan trọng mà trọng tâm là Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tiến độ có tính pháp lệnh là hoàn thành năm 2026 thực sự là thử thách lớn.
Đối với khâu đột phá thứ hai, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục rà lại toàn bộ quy trình làm việc, số hóa dữ liệu, số hóa quy trình, số hóa thông tin; sớm triển khai sử dụng văn phòng điện tử dùng chung cho cả hệ thống trên địa bàn thành phố. Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt đáp ứng lộ trình, tiến độ đề ra.
Nhằm tiếp tục thực hiện các khâu đột phá, tạo những bước chuyển mới trong thời gian tới, thành phố đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với khâu đột phá thứ nhất và 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với khâu thứ hai.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, UBND thành phố cùng các sở, ngành, đơn vị sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu chậm triển khai, đặc biệt là các dự án trường học, bãi đỗ xe... Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với dự án chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư khác.
Nhiệm vụ đặt ra nhiều, có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi tiến độ nhanh, nhưng nhìn lại những kết quả và cách thức Hà Nội vào cuộc vừa qua, có thể khẳng định, thành phố đang đi đúng hướng. Các khâu đột phá sẽ tiếp tục đem lại những chuyển biến mới trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.