Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện kết luận chất vấn và cam kết, lời hứa: Đã có nhiều cố gắng

Vũ Thủy - Ảnh: Viết Thành| 09/12/2022 10:09

(HNMO) - Sáng 9-12, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã báo cáo kết quả thực hiện kết luận chất vấn và những cam kết, lời hứa tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư với các đại biểu. Qua báo cáo cho thấy, dù đã cố gắng, song kết quả chưa được như mong muốn…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn báo cáo tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Vẫn khó thu hồi quỹ nhà chuyên dùng sử dụng sai mục đích

Về việc rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Tài chính rà soát, phân tích thực trạng quản lý, sử dụng và khai thác từ ngày 1-1-2018 đến nay để lập đề cương Đề án quản lý sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị định việc quản lý, sử dụng và khai thác quỹ nhà, đất do tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương.

Đối với công tác rà soát, đề xuất phương án giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ được đầu tư xây dựng từ ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về nhà ở, hiện Sở Xây dựng mới có báo cáo về tình hình thực hiện xây dựng các loại giá cho thuê, giá dịch vụ quản lý vận hành tại các quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước trong năm 2022 và các năm tiếp theo, đề xuất để lập dự toán thu, chi năm 2023. Hiện nay, UBND thành phố đang xem xét để thống nhất chỉ đạo trên cơ sở phân định rõ chức năng quản lý giá và chức năng khai thác sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Đối với công tác đề xuất các chế tài, biện pháp xử lý mạnh để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà của Nhà nước, hiện nay, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở (thường gọi là quỹ nhà chuyên dùng). Do đó, việc quản lý quỹ nhà này vẫn căn cứ vào Quyết định số 32/2012/QĐ-UBND ngày 12-11-2012 và Quyết định số 38/2012/QĐ-UBND ngày 14-12-2012 của UBND thành phố.

Để có cơ sở báo cáo UBND thành phố các biện pháp, chế tài xử lý; thu hồi đối với các trường hợp nợ đọng tiền bán, thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng và khai thác quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước thuộc thành phố theo quy định đối với khoản nợ phải thu của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đến thời điểm 30-9-2022, Sở Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành kiểm tra để đề xuất biện pháp xử lý.

Theo đồng chí Dương Đức Tuấn, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát tình hình, hiện trạng sử dụng trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp và có Văn bản số 11361/VP-ĐT ngày 1-11-2022 chỉ đạo thực hiện kết luận của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về nội dung nêu trên. Hiện, Sở Xây dựng và Sở Tài chính đang rà soát hồ sơ, tài liệu, cơ sở pháp lý để bố trí trụ sở làm việc tại Khu liên cơ quan Võ Chí Công, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng tại Khu liên cơ quan Vân Hồ theo đúng quy trình, quy định.

Về kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố, Sở Xây dựng đã chủ trì cùng liên ngành thống nhất phương án thu hồi với 7 địa điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, vi phạm nổi cộm tại các quận: Hoàn Kiếm (5 địa điểm), Đống Đa (1 địa điểm), Ba Đình (1 địa điểm). Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi tại 41 Hàng Bồ và 121 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm; tham mưu UBND thành phố ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi tại 36 Bà Triệu, 58-60 Hàng Buồm, 41 Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm); 45 Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa); tại tầng 1 nhà A và tầng 1 nhà G khu 7,2ha Vĩnh Phúc (quận Ba Đình).

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chuẩn bị tổ chức đấu giá nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, tại thời điểm chất vấn kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố, còn tồn tại 251 căn hộ vi phạm quỹ nhà tái định cư. Đến thời điểm hiện tại, còn 223 căn hộ vi phạm (đã có thêm 28 căn hộ nộp tiền mua nhà); UBND thành phố dự kiến họp để chỉ đạo thu hồi các căn hộ vi phạm tại các nhà chung cư tái định cư trên địa bàn.

Về việc đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà được giao quản lý, khai thác quỹ diện tích kinh doanh dịch vụ khẩn trương thực hiện việc xây dựng kế hoạch, tổ chức đấu giá quyền thuê quỹ diện tích kinh doanh dịch vụ theo quy định, UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng triển khai các công tác liên quan đến bàn giao, quản lý, đấu giá diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 và nhà ở tái định cư; đã ban hành kế hoạch về triển khai Nghị quyết HĐND thành phố về việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố.

Để sớm đưa diện tích kinh doanh dịch vụ vào khai thác, Sở Xây dựng đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá theo Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 10-3-2021 của UBND thành phố cho các đơn vị quản lý vận hành gồm 33.809,48m2.

Đối với kết quả thực hiện công tác tổ chức đấu giá của các đơn vị được giao quản lý, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở dự kiến tổ chức đấu giá 14.300,11m2 diện tích kinh doanh dịch vụ. Dự kiến, quý IV-2022 và quý I-2023 sẽ triển khai tổ chức đấu giá.

Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã tổ chức đấu giá quyền thuê lần 1 đối với 59 điểm với tổng diện tích đấu giá 14.012m2. Tuy nhiên, chỉ có 9 điểm có các cá nhân tham gia và trúng đấu giá với diện tích 965,14m2. Kết quả đấu giá cho thuê đã được Sở Xây dựng phê duyệt và ký hợp đồng cho thuê theo quy định. Đối với 13.046m2 (50 điểm) diện tích kinh doanh dịch vụ đấu giá không thành công lần 1, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đấu giá lần 2 trong quý IV-2022.

Cũng về vấn đề này, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội dự kiến tổ chức đấu giá 5.497,37m2 diện tích kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang xác định giá cho thuê, báo cáo các cơ quan liên quan, tổng hợp báo cáo UBND thành phố phê duyệt để triển khai đấu giá trong quý IV-2022.

Đối với công tác thu hồi diện tích kinh doanh dịch vụ vi phạm, trong quá trình quản lý, cho thuê, một số đơn vị vi phạm hợp đồng thuê, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi 10 điểm với diện tích 3.992,69m2. Sau khi hoàn thành công tác thu hồi, sẽ đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2023.

Về việc chuyển đổi một phần diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư sang làm nhà sinh hoạt cộng đồng cho các tòa nhà không có diện tích sinh hoạt cộng đồng, Sở Xây dựng đã có 2 văn bản báo cáo UBND thành phố chấp thuận chuyển đổi 565,16m2 diện tích kinh doanh dịch vụ tại 7 tòa nhà trên địa bàn các quận Đống Đa (1 tòa), Hoàng Mai (2 tòa), Thanh Xuân (4 tòa).

Một số dự án chậm tiến độ được đẩy mạnh

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, ngay sau khi HĐND thành phố ban hành kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba, kỳ họp thứ bảy HĐND thành phố, UBND thành phố đã ban hành các kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương liên quan tập trung triển khai; tổ chức các cuộc họp, giao ban kiểm điểm tiến độ, kiểm tra thực địa các dự án. Đồng thời, rà soát các quy định trong công tác điều hành, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan phù hợp với thực tiễn… để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Đến nay, nhiều dự án đã được đẩy nhanh và dự kiến hoàn thành đảm bảo tiến độ như: Dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 32); Dự án tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Phú, huyện Ba Vì; Dự án bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức; các dự án cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố; Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng, huyện Đan Phượng…

Một số dự án đã được UBND thành phố, các ngành xem xét, giải quyết khó khăn, tồn tại, tình hình thực hiện đã có chuyển biến tích cực, cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt để tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới, như: Dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1; Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La; Dự án Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức; 2 dự án cụm công nghiệp tại huyện Phú Xuyên và huyện Sóc Sơn; Dự án Khu đô thị AIC, huyện Mê Linh; Dự án Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; Dự án cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa)…

Đối với các dự án không đảm bảo tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực, UBND thành phố đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt hoạt động dự án (Dự án Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên; Dự án Khu hỗn hợp văn phòng - thương mại, dịch vụ - nhà hàng và giải trí tại số 153 phố Yên Phụ, quận Tây Hồ); thu hồi đất đã giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án để xây dựng trường học công lập (Dự án Trụ sở giao dịch và khách sạn tại số 6 phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa).

Riêng Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, đoạn Km19+900 - Km41+500, theo hình thức hợp đồng BT, là dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài qua nhiều thời kỳ chính sách, có nhiều vấn đề phức tạp. Trong đó, có những tranh chấp pháp lý của doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án, có sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. UBND thành phố đã giao Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát quá trình triển khai thực hiện dự án, việc chấp hành các quy định pháp luật của nhà đầu tư; trách nhiệm tham mưu của các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố, kết quả Thanh tra thành phố báo cáo sẽ là căn cứ để UBND thành phố xem xét, chỉ đạo xử lý dứt điểm theo đúng quy định pháp luật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện kết luận chất vấn và cam kết, lời hứa: Đã có nhiều cố gắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.