Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chung của thành phố

Tuấn Việt| 01/03/2022 06:29

(HNM) - Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội vừa ký Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026. Việc ký kết này giúp các cơ quan tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ chung của thành phố.

Hội nghị triển khai chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 của Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội sau lễ ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2021-2026.

Nội dung mà 4 cơ quan trên phối hợp thực hiện đó là: Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và bầu Hội thẩm nhân dân; lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, pháp lệnh và phản biện xã hội; chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức kỳ họp HĐND thành phố; tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát và tái giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri; tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân…

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho hay, ngay sau ký kết, hoạt động phối hợp đầu tiên được Thường trực HĐND thành phố phối hợp với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức đó là Hội nghị liên tịch triển khai kế hoạch xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND thành phố năm 2022 và thống nhất dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp chuyên đề tháng 3-2022 của HĐND thành phố.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, năm 2022, dự kiến UBND thành phố sẽ đề nghị HĐND thành phố ban hành 30 nghị quyết quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đô thị, quy hoạch, nông nghiệp… Để các nghị quyết bảo đảm chất lượng, UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu, khảo sát, rà soát các nội dung trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và thực tiễn của Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho biết, việc phối hợp giữa các cơ quan trong chuẩn bị các kỳ họp của HĐND thành phố là rất cần thiết và ở các nhiệm kỳ trước đây đã có sự phối hợp tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hơn nữa, nhất là việc đánh giá tác động chính sách sau khi ban hành, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân rất cần sự vào cuộc, phối hợp trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, thẩm tra, phản biện xã hội.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân chia sẻ, có những dự thảo nghị quyết phải xin hoãn, lùi thời gian ban hành vì lý do khách quan; song thực tiễn cũng có nội dung phải lùi thời gian do cơ quan tham mưu của UBND thành phố chưa bám sát tiến độ, quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư của Trung ương. Đơn cử, Nghị quyết quy định một số khoản thu phí trên địa bàn thành phố để thi hành Nghị quyết số 115/2020/ QH14 của Quốc hội bị chậm, chưa ban hành triển khai năm 2021, nguyên nhân là do các sở, ngành của thành phố chậm tham mưu mức phí mới hoặc nâng mức thu hiện hành.

“Với Quy chế phối hợp chung, bảo đảm tính thống nhất, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết công việc theo quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Thành ủy…, thời gian tới, các cơ quan tham mưu của UBND thành phố sẽ chủ động, kịp thời để cùng triển khai thực hiện công việc liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định pháp luật, để chất lượng các kỳ họp của HĐND thành phố ngày một nâng cao”, đồng chí Nguyễn Nguyên Quân nói.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, một số nhiệm kỳ trước, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã thực hiện việc ký chương trình, Quy chế phối hợp trong công tác. Qua đánh giá, sau các năm thực hiện chương trình, Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan đã đạt được những kết quả tốt; các cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong quá trình thực hiện hoạt động chung theo chức năng, nhiệm vụ. Vì thế, Quy chế lần này có sự kế thừa kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước là sự cần thiết nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ khi triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị và xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chung của thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.