Đối ngoại

Thực hiện đường lối đối ngoại kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Nguyễn Thúc Hoàng Linh 19/12/2023 - 13:34

Sáng 19-12, tại Hà Nội, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” chính thức khai mạc.

tong-thuat-khai-mac-hoi-nghi-ngoai-giao-lan-thu-32-phat-huy-vai-tro-tien-phong-xay-dung-nen-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-vung-manh-20231219112756.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu tại hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đông đảo cán bộ công chức, viên chức, người lao động Bộ Ngoại giao.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Về phía thành phố Hà Nội, tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.

Hoạt động đối ngoại sôi động, rộng mở

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn bày tỏ vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và chỉ đạo hội nghị, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và nguồn động viên lớn lao đối với toàn thể ngành Ngoại giao.

hoi-nghi-ngoai-giao-3.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã thực hiện 45 chuyến thăm tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và đón gần 50 đoàn lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế tới thăm, tạo nên bước phát triển mới về chất trong cục diện đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta. Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả hơn. Trên bình diện đa phương, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao.

Những thành tựu đối ngoại này đã đóng góp vào thành tựu chung to lớn, có ý nghĩa lịch sử là “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, là kết quả của đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những kết quả đó cũng khẳng định nền đối ngoại và ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân văn nhưng quật cường của dân tộc.

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 sẽ tập trung đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả triển khai công tác đối ngoại và ngoại giao từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Trên cơ sở đó, hội nghị sẽ thảo luận, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là việc cụ thể hóa và tổ chức triển khai những chủ trương và định hướng lớn về đối ngoại được ban hành trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ thảo luận sâu rộng các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh.

Tại phiên khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã phát biểu, trong đó nhấn mạnh những kết quả đối ngoại đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Ngoại giao với các ngành trong kiến nghị, triển khai, đề xuất những phương hướng, biện pháp nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.

Kiên định trong nguyên tắc, linh hoạt trong sách lược

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ của ngành Ngoại giao mà còn là của toàn thể cán bộ làm công tác đối ngoại của cả nước. Hội nghị diễn ra vào thời điểm tổng kết công tác của cả năm 2023 cũng như nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII với nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng diễn ra sôi động, liên tục và thành công. Hội nghị là dịp để toàn ngành nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng, trên cơ sở đó đề xuất các phương hướng, biện pháp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới, đồng thời góp phần vào việc chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam": Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam, và ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi.

Trong gần 3 năm, đặc biệt từ sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, với tinh thần nêu trên, Tổng Bí thư đánh giá, ngành Ngoại giao và đối ngoại cả nước đã nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, “đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước”, là niềm tự hào, tiếp thêm động lực và niềm tin cho công tác đối ngoại thời gian tới.

Trong đó, các kết quả nổi bật là đã quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII, phát huy thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và Tổ quốc trong giai đoạn mới; đi đầu trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước; triển khai đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các ngành, các cấp phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

hnm_3.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Những kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của tất cả các ngành, địa phương và đặc biệt là sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ ngoại giao nói riêng, với tâm huyết, trách nhiệm và chuyên môn cao, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với chế độ, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu.

Tổng Bí thư cũng đề nghị đúc kết các bài học kinh nghiệm từ những thành tựu nói trên để tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa, cũng như đánh giá những hạn chế trong công tác thời gian qua để chủ động khắc phục.

Nhấn mạnh thời gian tới, tình hình thế giới khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, ngành Ngoại giao thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ các tác động đến Việt Nam, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ, luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị, ngành Ngoại giao tiếp tục bám sát vào đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, các nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các chương trình, kế hoạch cụ thể. Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Trong triển khai, phải luôn kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm.

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại như “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn, bớt thù”, “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”…

Về vấn đề xây dựng, phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Tổng Bí thư yêu cầu quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận như lời căn dặn của Bác Hồ: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng”; hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, đổi mới cơ chế phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với các hoạt động đối ngoại trên tất cả lĩnh vực. Đặc biệt, làm tốt hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất, đạo đức và trí tuệ, hiện đại về phương pháp, lề lối làm việc, chuyên nghiệp về tác phong, ứng xử, tinh thông về nghiệp vụ, ngoại ngữ.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị, hội nghị nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa, quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa nhằm phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tiếp tục làm việc đến ngày 23-12.

Hà Nội tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế

hnm_4.jpeg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, hòa chung dòng chảy hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của cả nước, Hà Nội đã và đang tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, phấn đấu trở thành đô thị văn minh, hiện đại, đối tác tin cậy, có trách nhiệm, trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn với bạn bè quốc tế.

Triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Hà Nội đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai toàn diện hoạt động đối ngoại trên ba trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, đạt nhiều kết quả quan trọng. Đối ngoại chính trị được củng cố, quan hệ hợp tác hữu nghị song phương và đa phương của Hà Nội tiếp tục mở rộng và đạt hiệu quả tích cực.

Ngay sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thành phố tích cực triển khai, trao đổi, nâng cấp quan hệ, tập trung vào các đối tác truyền thống, chiến lược nhằm tăng cường cơ hội hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển địa phương. Bên cạnh đó, Hà Nội đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương của các nước như: Lào, Trung Quốc, Cuba, Hàn Quốc... Qua đó, tạo khuôn khổ quan trọng trong các hoạt động hợp tác quốc tế trong giai đoạn tới.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đối ngoại kinh tế tiếp tục là trụ cột, thành phố quan tâm, mở rộng các cơ hội hợp tác với các đối tác phù hợp, thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô. Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân được triển khai sôi nổi, phong phú, đa dạng, mạnh mẽ, qua đó, quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, hiếu khách và mang đậm bản sắc Thủ đô văn hiến, vì hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện đường lối đối ngoại kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.