(HNNN) - Tốc độ đô thị hóa nhanh, lượng dân cư đổ dồn về Thủ đô ngày một nhiều đã khiến hạ tầng giao thông đô thị quá tải, tất yếu khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hà Nội Ngày nay đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp giảm ùn tắc giao thông, tiến tới xây dựng một hệ thống giao thông nội đô an toàn, văn minh.
Đại tá Nguyễn Hữu Luyện, nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông:
Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước
Sau nhiều năm thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng. Tai nạn giao thông liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Ùn tắc giao thông trên các tuyến phố trọng điểm có đông người, đông phương tiện tham gia giao thông đang từng bước được giải quyết trong điều kiện nhu cầu giao thông năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, ùn tắc giao thông trong tình hình hiện nay đang có chiều hướng ngày càng trở nên phức tạp, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng theo tôi có 3 nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông quá tải, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và văn hóa tham gia giao thông của người dân chưa cao. Để góp phần từng bước giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông ở Thủ đô trong tình hình hiện nay và lâu dài, theo tôi, đầu tiên chúng ta cần xác định phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô phải đi trước một bước, ưu tiên nguồn lực đầu tư vào các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông đang được quy hoạch... Tiếp đó, Thành phố Hà Nội cần ưu tiên phát triển mạng lưới phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là mạng lưới xe buýt và đường sắt nội đô để từng bước giảm lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Sự phát triển của hệ thống xe buýt nội đô trong những năm qua đã giúp việc đi lại của nhân dân sinh sống và làm việc ở Thủ đô thuận lợi hơn, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhu cầu đi lại của người dân do tốc độ di chuyển của xe buýt còn chậm, độ ồn, xóc, lắc chưa được cải thiện. Cuối cùng, giải pháp quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm để răn đe và giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Cùng với đó, cần tăng cường triển khai hệ thống giám sát ghi nhận tình hình vi phạm giao thông ở các tuyến đường trọng điểm, các lực lượng chức năng tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thông qua công tác tuần tra kiểm soát và hệ thống giám sát… Đặc biệt, các giải pháp nói trên cần được tiến hành đồng bộ thì mới mong xây dựng môi trường giao thông hiện đại, văn minh, an toàn.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam:
Quy hoạch cần có tầm nhìn xa
Thực tế giao thông của Hà Nội hiện nay cho thấy chúng ta quy hoạch mà chưa gắn với nguồn lực. Theo tôi, Hà Nội cần đưa quy hoạch có tầm nhìn dài hơi hơn. Việc tắc đường ở Thủ đô chính là do sự gia tăng chóng mặt của phương tiện ô tô, cộng với sự bất cập trong quản lý và đặc biệt là quy hoạch không phù hợp hoặc quy hoạch bị điều chỉnh khiến cho dân số ngày càng tập trung đông trong nội đô do “mọc” lên quá nhiều chung cư, diện tích công cộng bị lấn chiếm, làm nhà cao tầng...
Đặc biệt, hiện nay, những người làm chính sách đang có định kiến với xe máy, trong khi ở thời điểm hiện tại xe máy chính là phương tiện di chuyển không thể thiếu đối với Hà Nội. Theo các chuyên gia, ô tô chiếm diện tích nhiều hơn xe máy, một chiếc ô tô thải độc ra môi trường gấp 20 lần xe máy. Trong khi một chiếc xe máy khả năng chỉ gây ùn tắc 1/4, 1/5, thậm chí 1/10 so với một chiếc ô tô. Hệ quả là khi tham gia giao thông, nếu xe máy không lưu thông được trên tuyến đường có quá nhiều ô tô thì người đi xe máy sẽ lấn làn, lấn tuyến, leo lên vỉa hè, đổ xô vào những đường khác, tiếp tục gây ùn tắc và tạo nên sự hỗn loạn về giao thông. Điều đó có nghĩa mục tiêu giảm ùn tắc giao thông không giải quyết được.
Ông Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và Giám sát công trình Việt Nam:
Áp dụng hiệu quả các giải pháp về quy hoạch và quản lý giao thông
Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính gây ra tình trạng tắc đường ở Thủ đô, đó là do hạ tầng giao thông và ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Riêng về vấn đề hạ tầng giao thông, cần chú ý tới những điểm xung đột tại các nút giao. Giải pháp về mặt kỹ thuật là xây các cầu vượt và hầm chui tại các nút giao để giảm thiểu xung đột. Ngoài ra, cần thường xuyên cải tạo, nâng cấp các nút giao thông. Đối với các nút giao thông bị suy giảm khả năng lưu thông do việc tổ chức hoặc điều khiển giao thông chưa hợp lý, đặc biệt là đối với những nút giao điều khiển bằng đèn tín hiệu thì cần tổ chức phân làn xe hợp lý, nâng cấp chương trình điều khiển như phân lại pha điều khiển, tính toán lại chu kỳ đèn tín hiệu, phân bổ lại thời gian đèn xanh… cho phù hợp với điều kiện giao thông thực tế cũng như tối đa hóa khả năng lưu thông thực tế của nút giao.
Để xác định hiệu quả của việc nâng cấp chương trình điều khiển cũng như tổ chức lại cách phân làn xe của một nút giao cụ thể, có thể sử dụng các phần mềm mô phỏng giao thông vi mô để đánh giá. Cùng với đó, cũng cần sớm nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị như sớm triển khai xây dựng, hoàn thiện các đường vành đai, tiến hành nâng cấp mở rộng một số tuyến đường trục chính, triển khai quy hoạch và xây dựng thêm các bãi đỗ xe trong thành phố, xây dựng thêm một số tuyến xe buýt nhanh (BRT). Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng một cách có hiệu quả các giải pháp về quy hoạch và quản lý giao thông như giải pháp di dời các trường đại học và một số cơ quan công sở ra ngoài phạm vi trung tâm thành phố, áp dụng các loại phí và thuế để hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân trong nội đô, bố trí linh hoạt giờ làm việc hay giờ đi học… để giảm tải lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, tiến tới giảm ùn tắc giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.