Sáng 17/9 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị giao ban về sơ kết chương trình tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng
Các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: TH) |
Đến nay, việc thực hiện Chương trình Tổng rà soát tiếp tục nhận được sự quan tâm, theo dõi của các tầng lớp nhân dân; các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường công tác chỉ đạo. Hiện đã có 43/63 tỉnh, thành phố báo cáo. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh đã chủ động tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, thành lập các Ban chỉ đạo ở các cấp và Tổ rà soát tại cộng đồng dân cư theo quy định; tổ chức các lớp tập huấn tại cộng đồng dân cư được diễn ra cơ bản nghiêm túc có sự kiểm tra, giám sát kịp thời của Ban rà soát cấp huyện và xã, phường, thị trấn. Việc niêm yết danh sách cơ bản bảo đảm thời gian theo quy định, các địa phương đang tổng hợp kết quả cấp xã, phường, thị trấn.
Nhiều địa phương đã tích cực triển khai nhiều cách làm sáng tạo như tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức rà soát tập trung tại nhà sinh hoạt cộng đồng có sự giám sát của Ban chỉ đạo cấp huyện, một số nơi tổ chức rà soát theo nhóm, đối với những trường hợp già yếu, ốm đau thì tổ rà soát đến tận nhà; tỉnh Bắc Giang đã công bố địa chỉ email của Ủy ban MTTQ tỉnh và số điện thoại của đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đồng chí Trưởng ban Phong trào để nhân dân biết và phản ánh; tỉnh Hà Nam đã thực hiện nguyên tắc trước khi phân loại, tổng hợp, đánh giá ở cấp huyện, Ban chỉ đạo cấp huyện tiến hành kiểm tra, nghiệm thu 100% phiếu của từng tổ rà soát...
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền chưa vào cuộc tích cực và Mặt trận chưa thể hiện được hết vai trò của mình. Điển hình kiểm tra tại Thanh Hóa, báo cáo chung của tỉnh thì không phát hiện được trường hợp nào nhưng Mặt trận mới chỉ rà soát một số đối tượng chính sách của 1 xã phát hiện 2 trường hợp hưởng sai; 1 phường báo cáo nhân dân phản ánh 9 trường hợp; hoặc tại huyện Hoằng Hóa theo MTTQ phản ánh có thể sai hàng trăm trường hợp… Tại Yên Bái, việc tổng hợp phiếu một số nơi chưa thống nhất nên số liệu chưa phản ánh đầy đủ, chính xác thông tin; tỉnh Lào Cai báo cáo việc rà soát một số xã, đặc biệt ở các thôn, bản chưa đạt yêu cầu mà cuộc Tổng rà soát đề ra…
Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu sửa đổi Thông tư 28/201/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh không còn giấy tờ; phối hợp với Bộ Y tế sớm ban hành danh mục dị dạng, dị tật đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện; có quy định điều chỉnh thực hiện việc khám phúc quyết cho tất cả thương binh khi có vết thương tái phát; Chính phủ cấp kinh phí kịp thời cho các địa phương để triển khai xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng người có công. Đồng thời xem xét lại phần khai thác thông tin, điền phiếu và biểu tổng hợp…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, để phát hiện ra các trường hợp hưởng sai cần sự tham gia của các đoàn thể. Nhiều trường hợp hưởng sai lên đến hàng nghìn, trường hợp làm hồ sơ “khống” thì cần cắt và xử lý luôn. Nhưng có trường hợp có vấn đề về tỷ lệ, mức hưởng… thì phải rà soát từng trường hợp cụ thể, lập danh sách, phân tích và nếu có điều chỉnh nên áp dụng ngay.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, yêu cầu tổng quát của đợt Tổng rà soát này tiến hành 2 năm 2014 - 2015. Năm 2014 là rà soát bằng phiếu để xác định người có công cả nước hiện nay đối tượng nào đã hưởng đúng, đối tượng nào hưởng còn thiếu bổ sung, đối tượng nào chưa được thì bổ sung và đối tượng nào không hưởng đúng thì chấm dứt và xử lý theo quy định. Trên cơ sở đó công bố kết quả cho nhân dân biết. Nếu cần bổ sung thì khởi động các thủ tục, lập danh sách người còn thiếu làm đến tháng 8/2015. Riêng đối với nạn nhân da cam thì còn xác định, đối chiếu vùng chiến đấu, bản đồ nhiễm bệnh thì có thể kéo dài hơn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Đến nay, chương trình Tổng rà soát đã triển khai quyết liệt ở tất cả các địa phương nhưng vẫn còn chậm. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi thấy không ép các địa phương hoàn thành vào ngày, giờ cố định mà yêu cầu hàng đầu là rà soát cho đảm bảo chất lượng. Yêu cầu của chương trình rà soát đúng thực tiễn, cái nào làm tốt khẳng định, cái nào hạn chế nêu rõ và đề xuất giải pháp.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra thực hiện đối với các tỉnh, thành phố và cơ sở trong quá trình triển khai. Tiếp tục kiểm tra, giám sát, phúc tra kết quả quá trình tổng rà soát. Chú ý việc tổng hợp, thống kê biểu, bảng chính xác về số người hưởng đúng, hưởng chưa đủ, hưởng sai và chưa được hưởng. Ban Chỉ đạo, Ban rà soát cấp trên trực tiếp phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả được đánh giá qua rà soát.
Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân biết về chươnng trình tổng rà soát; thời gian tổ chức chương trình; địa chỉ, người liên hệ, phản ánh, giải quyết; địa điểm niêm yết. Cung cấp số điện thoại, địa chỉ thông tin để nhân dân phản ánh, biết nơi hỏi khi thắc mặc, chưa rõ.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, các địa phương tiến hành sơ kết Chương trình Tổng rà soát, chú ý đánh giá, rút kinh nghiệm, cần thiết phải rà soát để thực hiện đại trà đảm bảo hiệu quả, tránh làm hình thức, số liệu phản ánh thực chất tình hình thực hiện chính sách trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để giải quyết đơn thư của công dân và có phương án trả lời từng đơn thư nhân dân gửi về…/.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.