Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Hà Nội: Không bỏ ai lại phía sau

Minh Ngọc| 08/01/2022 06:11

(HNM) - Một trong những dấu ấn đặc biệt của năm 2021 là Hà Nội đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Kết quả này tạo động lực, mở ra cơ hội để người dân Thủ đô, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế có cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm 2022.

Năm 2021, thành phố Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 5 triệu lượt người với kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Trong ảnh: Chi trả tiền cho các đối tượng chính sách tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông). Ảnh: TTXVN

Ở đâu người dân gặp khó, ở đó có sự trợ giúp

Những ngày cuối năm 2021, bà Trần Thị Loan (sinh năm 1951), tổ dân phố 6, phường Kiến Hưng (quận Hà Đông) bày tỏ niềm vui khi chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về ngôi nhà mới. Nhiều năm qua, gia đình bà Loan thuộc diện hộ cận nghèo, sống trong ngôi nhà xuống cấp, nhưng không đủ khả năng để xây dựng, sửa chữa. Đầu năm 2021, gia đình bà được hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng nhà với số tiền 185 triệu đồng. “Sau gần một năm sống trong ngôi nhà kiên cố, cuộc sống của gia đình tôi tốt lên rất nhiều”, bà Loan chia sẻ.

Ngoài trường hợp gia đình bà Loan, 100% hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo ở quận Hà Đông nhận được sự trợ giúp để vươn lên. Kết quả, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, năm 2021, quận Hà Đông không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2021.

Tại huyện Đông Anh, năm vừa qua, nhiều giải pháp trợ giúp người dân, người lao động gặp khó khăn tiếp tục được triển khai trên diện rộng. Nổi bật là việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp hơn 10 nghìn người có việc làm mới; huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ an sinh xã hội cho hàng trăm nghìn lượt người với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, hơn 300 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ máy tính, ipad, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến... “Với tinh thần ở đâu người dân khó, ở đó có sự trợ giúp kịp thời, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Đông Anh tương đối ổn định. Hiện toàn huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cũ”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nguyễn Đình Thanh cho hay.

Tương tự quận Hà Đông, huyện Đông Anh, các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội đều nỗ lực, chủ động triển khai các biện pháp, nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2021, toàn thành phố giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,2% kế hoạch; hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn 5 triệu lượt người với kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Ngoài ra, 100% người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 5 tuổi và một số đối tượng yếu thế khác được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được tiếp cận với nhiều chính sách, dịch vụ trợ giúp để vươn lên. Nhờ đó, thời điểm cuối năm 2021, Hà Nội chỉ còn khoảng 0,04% hộ nghèo, 19/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Tính theo chuẩn nghèo mới, thành phố còn khoảng 0,2% hộ nghèo và 1,56% hộ cận nghèo; 11/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo (gồm 9 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân và 2 huyện: Gia Lâm, Hoài Đức)...

Tiếp tục tạo giá đỡ vững chắc

Thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho gần 180.000 người trong năm 2021, đạt 112,2% kế hoạch. Trong ảnh: Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (quận Cầu Giấy).

Để không ai bị ở lại phía sau, năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh cho người dân theo hướng khơi dậy, phát huy sức mạnh nội lực.

Với những địa phương không còn hộ nghèo, ngoài chính sách chung, các địa phương tập trung, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân, giúp họ có “cần câu” để tự “câu cá”. Chẳng hạn, tại quận Cầu Giấy, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Nguyễn Quang Hồng thông tin: “Những trường hợp còn khả năng lao động được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn sinh kế, công cụ, phương tiện sản xuất, qua đó tự tạo việc làm, mang lại thu nhập, không để rơi vào cảnh nghèo, tái nghèo”.

Ở những địa phương còn hộ nghèo, nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội tập trung triển khai trong năm 2022 và những năm tiếp theo là khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát khỏi cảnh nghèo. Cùng với đó là việc huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ khó khăn cho những trường hợp đặc biệt, không có khả năng tự vươn lên. Tại nơi xa trung tâm nhất là xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì), Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Chìu tin tưởng: “Thông qua nhiều giải pháp bảo đảm an sinh xã hội đã, đang triển khai trên địa bàn, chắc chắn giai đoạn 2022-2025, xã Khánh Thượng cơ bản không còn hộ nghèo”.

Đặc biệt, với nhóm người yếu thế, họ tiếp tục được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm...

Từ năm 2022, một số trường hợp đặc biệt còn được hỗ trợ theo chính sách đặc thù để có mức sống trên mức chuẩn nghèo theo tiêu chí mới đã được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua tại kỳ họp thứ ba diễn ra đầu tháng 12-2021. Theo đó, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Đối với trường hợp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có khả năng tự phục vụ bản thân sẽ nhận mức hỗ trợ hằng tháng là 440.000 đồng/người. Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo, thành viên hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ tháng được công nhận thoát nghèo, thoát cận nghèo...

Chia sẻ về các chính sách này, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội Dương Thị Vân khẳng định: “Sự quan tâm, chăm lo của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đến nhóm người yếu thế đã và sẽ góp phần tạo động lực, thúc đẩy mỗi người luôn nỗ lực vươn lên, tự tin hòa nhập với cộng đồng”.

Dưới góc độ quản lý, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, năm 2022, các cơ quan chức năng từ thành phố tới cơ sở tiếp tục phối hợp triển khai linh hoạt các biện pháp hỗ trợ giảm nghèo. Cùng với đó là việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội khẩn cấp cho những người cần trợ giúp, tạo điểm tựa vững chắc để mọi người cùng vươn lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Hà Nội: Không bỏ ai lại phía sau

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.