(HNM) - Thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều nhiệm vụ mang tính đột phá, với mục tiêu hằng năm giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Trong đó, rõ rệt nhất là việc thành phố đã huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tăng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông trong quá trình phát triển đô thị…
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
Khoảng 5 năm trước, ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn là nỗi lo thường trực đối với người dân Thủ đô. Những điểm ùn tắc kéo dài có thể kể đến như tuyến đường Trường Chinh, nút giao An Dương - đường Thanh Niên, đường Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, đường Giải Phóng, đường Nguyễn Khoái… Khi thành phố đầu tư xây dựng cầu vượt ở nút giao An Dương - đường Thanh Niên, đồng thời cải tạo, mở rộng tuyến đường từ Yên Phụ đến khách sạn Thắng Lợi, tình trạng ùn tắc tại khu vực này đã được giải quyết triệt để” - ông Nguyễn Văn Thắng, ngõ 76 phố An Dương (quận Tây Hồ) cho biết.
Đó chỉ là một trong nhiều công trình giao thông đã được thành phố tập trung đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhằm hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông khung, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, hàng loạt công trình, dự án được thành phố đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả như: Cầu vượt tại nút giao giữa đường Cổ Linh và đường đầu cầu Vĩnh Tuy, tuyến đường Ô Đông Mác - đê Nguyễn Khoái; Vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Ngã Tư Sở; cải tạo, chỉnh trang Vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng, đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng… Đặc biệt, hệ thống đường vành đai, các tuyến hướng tâm và trục chính đô thị được đầu tư hoàn thiện như đường Vành đai 3 trên cao, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, quốc lộ 3, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Nhật Tân - Nội Bài... đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Thủ đô.
Trong công tác xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông, năm 2016-2017, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan rà soát và xử lý được 46/46 điểm tồn tại của năm 2015 bằng các giải pháp như bổ sung biển báo, điều chỉnh đèn tín hiệu, cải tạo hạ tầng. 21 “điểm đen” mới phát sinh trong giai đoạn năm 2018-2019 cũng đã được tập trung xóa bỏ. Các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành rà soát để kịp thời phát hiện các điểm mới phát sinh để có phương án xử lý dứt điểm.
Ùn tắc và tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm
Thống kê cho thấy, những năm qua, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông Thủ đô đã tăng khoảng 0,28% diện tích đất đô thị/năm. Cụ thể, vào năm 2017, chỉ tiêu này đạt 9,08% thì đến năm 2019 đạt khoảng 9,75% và dự kiến năm 2020 đạt trên 10,05% trên diện tích đất xây dựng đô thị. Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, sự thay đổi lớn nhất của Thủ đô trong các năm qua là không gian kiến trúc. Sự đầu tư mạnh mẽ cho giao thông đã tạo điều kiện không gian đô thị trung tâm Hà Nội được tái cấu trúc và đang định hình rõ nét hơn. Diện mạo đô thị Thủ đô ngày càng bề thế hơn, khang trang, hiện đại hơn.
Tập trung phát triển hạ tầng, xử lý hiệu quả các “điểm đen” đã góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông, qua đó đem đến những đóng góp tích cực vào mục tiêu chung trong chiến lược bảo đảm an toàn giao thông quốc gia. Ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô đã liên tục giảm dần trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Cụ thể, vào năm 2016, toàn thành phố xảy ra 1.552 vụ tai nạn giao thông, làm 594 người chết, 1.306 người bị thương. Song, đến năm 2019 chỉ xảy ra 1.272 vụ, làm 508 người chết, 847 người bị thương.
Tình hình ùn tắc giao thông cũng đã giảm đáng kể. Đến cuối năm 2015, Hà Nội có 44 điểm ùn tắc giao thông thì đến cuối năm 2019, số điểm ùn tắc còn 23 điểm và phát sinh mới 10 điểm. Tổng cộng 33 điểm này đang được tập trung xử lý. Đó là những con số thuyết phục, chứng minh hiệu quả từ những giải pháp đồng bộ mà thành phố đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Không dừng ở đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố vẫn đang chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ ngành liên quan ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Đối với hệ thống đường vành đai, thành phố sẽ cơ bản hoàn thành đầu tư khép kín các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3 và 3,5. Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công, hoàn thành một số đoạn tuyến của tuyến đường Vành đai 4; cơ bản hoàn thành mạng lưới đường trên cao trong khu vực trung tâm (Vành đai 2, Vành đai 3) và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư đối với một số tuyến đường trên cao theo quy hoạch. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung triển khai và hoàn thành các tuyến đường hướng tâm và đường trục chính đô thị như: Đường 70, tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, tuyến đường trục dọc 2 bờ sông Hồng (đoạn từ Hồng Hà đến cầu Thanh Trì)…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.